An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Nâng cao chất lượng công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Bình Định
09:07 AM 25/10/2019
(LĐXH) Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn gắn liền với hoạt động sản xuất nhằm bảo vệ yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất là người lao động, để họ có thể yên tâm làm việc, cống hiến, mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Trong những năm qua, song song với sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, tỉnh Bình Định luôn tìm cách cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế và ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động.
Cùng với sự hoàn thiện và phát triển các khu, cụm công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 6.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 1.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Điều này đặt ra nhiều vấn đề hệ lụy, bức xúc đối với người lao động và tổ chức công đoàn, trong đó phải kể đến công tác ATVSLĐ bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng, tác động và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tìm ra giải pháp hiệu quả thiết thực.
Nhận thức được trách nhiệm của mình, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới hoạt động công đoàn với phương châm hướng về cơ sở, gần người lao động; chủ động phối hợp chính quyền cùng cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác ATVSLĐ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các các đơn vị chức năng trực thuộc và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý, xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng dẫn cụ thể về các qui trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Hoàng Phát (Bình Định) trang bị góc bảo hộ lao động tại nơi làm việc
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động trong quá trình sản xuất, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Treo hơn 750 băng rôn, phướn tuyên truyền, cổ động về Tháng hành động về ATVSLĐ trên các trục đường trung tâm thành phố Quy Nhơn các Khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức xe ô tô có gắn loa đi cổ động tuyên truyền ở Khu công nghiệp, khu vực dân cư nơi có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; tổ chức tập huấn 04 lớp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước và tuyên truyền, tư vấn pháp luật về ATVSLĐ cho trên 1.000 người;…
Công nhân làm việc trong môi trường có sử dụng máy hàn, xì kim loại được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động
Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được các cấp lãnh đạo coi trọng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại 49 doanh nghiệp, nội dung kiểm tra tập trung vào chủ yếu các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thực hiện các qui định của pháp luật về ATVSLĐ. Kết quả đưa ra 365 kiến nghị đối với 48 doanh nghiệp, trong đó có 45/48 doanh nghiệp cam kết sẽ khắc phục các kiến nghị của Đoàn kiểm tra.
Có thể thấy sau nhiều cố gắng, nỗ lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định đã dần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới UBND các huyện, thị xã, thành phố một cách hiệu quả, nâng cao nhận thức của người lao động đối với việc tự giác bảo vệ an toàn của bản thân trong khi làm việc, đảm bảo vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những nơi lao động làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở người lao động chấp hành đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đây là tín hiệu đáng khích lệ và cần được phát huy triệt để hơn trong thời gian tới. 
Minh Ngọc
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững