Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc chiếm đến 75%
04:04 PM 30/08/2018
(LĐXH)- Theo số liệu từ Bộ Công an, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các đơn vị, cơ quan chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đối tượng phạm tội hành vi mua bán người bao gồm cả nam và nữ, là những đối tượng không nghề nghiệp hoặc buôn bán tự do qua lại biên giới, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm hoặc những người đã từng bị mua bán ra nước ngoài làm gái bán dâm. Đối tượng lợi dụng các đường mòn biên giới, sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn và thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Webchat...) hoặc những mối quan hệ sẵn có để tiếp cận, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân với lời hứa hẹn mua bán hàng hóa, thăm thân nhân, thăm quan du lịch, đi chữa bệnh... và tìm giúp việc nhẹ nhàng, thu nhập cao để mua bán trong nước và ra nước ngoài. Theo báo cáo, tại các tuyến biên giới, các đối tượng phạm tội hành vi mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có tính chất nghiêm trọng để lừa bán nạn nhân sang các quốc gia, trong đó nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (11%), còn lại đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.  
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về nước
Nạn nhân bị bán thường là những phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới và đang trong độ tuổi kết hôn, không có việc làm ổn định. Nạn nhân bị bán với nhiều mục đích khác nhau như bán cho đàn ông làm vợ hoặc làm con nuôi, đưa nạn nhân bán vào các quán cà phê trá hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, bán cho các chủ chứa hoạt động mại dâm ép hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi, đẻ thuê, bán nội tạng....
Tại một số tỉnh, thành phố nổi lên tình hình như Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng phạm tội hành vi mua bán người tìm đến những nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, nhà bảo sanh móc nối với nhân viên các cơ sở này để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh hoặc mua bán các trẻ có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh). Tại tỉnh Thanh Hóa, hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi, chúng thường sử dụng mạng internet, Facebook, tìm các số điện thoại và chủ thuê bao có tuổi đời từ 13 đến 25 là học sinh các trường Phổ thông trung học, trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học để nhắn tin làm quen, sau một thời gian hẹn gặp chúng lừa đưa lên vùng biên giới đi mua hàng, đi du lịch. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã xuất hiện đối tượng lừa đưa các nạn nhân là người nước ngoài (quốc tịch Campuchia) xuất phát từ các tỉnh phía Nam ra Quảng Ninh bán sang Trung Quốc kiếm lời; tỉnh Hậu Giang, nguy cơ xảy ra tội phạm mua bán người chủ yếu tình trạng lợi dụng kết hôn trá hình với người nước ngoài tập trung ở các nước Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...; tỉnh Nghệ An, đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ với đối tượng hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các thành phố, thị xã, khu du lịch trong nước hoặc vùng giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc. Một số đối tượng trước đây bị lừa bán nhưng sau đó đã trở lại địa phương để lừa phụ nữ, trẻ em đem bán. Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng các mối quan hệ hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn. Khi đưa nạn nhân đi đối tượng tìm cách quản lý giấy tờ tuỳ thân của nạn nhân và không cho họ mang theo tiền, tài sản có giá trị nhằm hạn chế khả năng bỏ trốn của nạn nhân. Khi thực hiện hành vi chúng thường che đậy nhân thân bằng tên tuổi khác ...
Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.
Thống kê từ năm 2016 đến tháng 5/2018, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với lực lượng công an, Bộ đội biên phòng tiếp nhận gần 1000 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về. Điển hình như Quảng Ninh tiếp nhận 228 nạn nhân, Điện Biên 131, Lai Châu 54, Lạng Sơn 31, Tây Ninh 44 nạn nhân...
Sau khi tiếp nhận, 100%  nạn nhân đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Một số tỉnh, thành phố như đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế, xây dựng một số mô hình tại cộng đồng, như mô hình “Nhà nhân ái” tại Lào Cai, “Ngôi nhà tình thương” tại An Giang, mô hình các nhóm tự lực tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên – Huế... 
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store