An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Năm học 2015 – 2016: Hơn 72 nghìn tấn gạo đến với 540 nghìn học sinh nghèo cả nước
05:15 PM 07/06/2016

“Năm học 2015-2016, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã xuất cấp trên 72 nghìn tấn gạo cho hơn 540 nghìn học sinh nghèo thuộc 49 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, học kỳ I xuất cấp 39.863 tấn và học kỳ II xuất cấp 32.272 tấn. Để có được kết quả đó, Tổng cục DTNN luôn nỗ lực, chủ động xuất cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) sớm đến với học sinh nghèo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng” – Đó là thông tin được Tiến sỹ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết trong cuộc trao đổi mới đây.

 

TS. Phạm Phan Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Năm học 2015 – 2016 vừa kết thúc, xin Tổng cục trưởng cho biết kết quả triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến thời điểm này?

- Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong 3 năm học vừa qua (2013 - 2014, 2014 - 2015 và năm học 2015 - 2016) Chính phủ đã hỗ trợ trên 196.000 tấn gạo DTQG cho hơn 500.000 lượt học sinh/năm học của 49 tỉnh thành phố trong cả nước.

Riêng năm học 2015 - 2016, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 72 nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 540 nghìn học sinh nghèo thuộc 49 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, học kỳ I xuất cấp 39.863 tấn và học kỳ II xuất cấp 32.272 tấn. Để đạt được kết quả đó, Tổng cục DTNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và UBND các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau mỗi năm học, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN phối hợp với chính quyền địa phương rà soát từng khâu của công việc để rút kinh nghiệm; đồng thời sớm trình Bộ kế hoạch cấp phát hỗ trợ gạo của năm học tới.

Trong quá trình thực hiện xuất cấp, Tổng cục DTNN thường xuyên phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại các địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục DTNN đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc (Vụ Chính sách Dân tộc) tổ chức 3 đợt kiểm tra, nắm tình hình. 

Một trong những đợt kiểm tra việc tiếp nhận gạo ở địa phương được tiến hành vào đầu học kỳ II năm học 2015 – 2016 là tại một số tỉnh Tây Nam bộ.  Qua kiểm tra, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của vùng Tây Nam bộ nói riêng. Đồng thời, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị Cục DTNN KV Tây Nam bộ (đơn vị phụ trách địa bàn Tây Nam bộ) tiếp tục phối hợp với các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ và giữ mối liên hệ với Ban Chỉ đạo và các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai tốt nhiệm vụ được giao. 

 


Xe chở gạo dự trữ vượt nhiều khó khăn, trở ngại đưa hàng nghìn tấn gạo đến với học sinh nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được, thưa ông

- Qua kết quả kiểm tra của đoàn công tác, của các Cục DTNN khu vực và theo báo cáo đánh giá của các địa phương, việc hỗ trợ gạo cho học sinh đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời thông qua đó cũng đã gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Về công tác tiếp nhận, phân phối gạo DTQG tại các địa phương đã được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, đúng đối tượng được hỗ trợ. Việc giao, nhận gạo được thực hiện nghiêm túc: có lấy mẫu và lưu giữ mẫu để đối chiếu chất lượng; ký biên bản giao nhận gạo giữa đơn vị xuất gạo với các địa phương nhận gạo. Đến nay, gạo DTQG xuất cấp được các bên xác nhận đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.

Về thời gian giao gạo được các đơn vị DTQG thực hiện cấp phát theo đúng thời gian, tiến độ và kế hoạch tiếp nhận của các địa phương trong đó thời gian giao, nhận gạo tối đa 02 lần/học kỳ và 04 lần/năm học (không có trường hợp cấp gạo 01 lần/học kỳ).

Về công tác bảo quản gạo, mặc dù hầu hết tại các điểm trường không có kho chuyên dụng riêng biệt để bảo quản gạo nhưng công tác quản lý, bảo quản gạo đã được các trường học chú trọng, quan tâm, như: việc lựa chọn địa điểm bảo quản gạo tại nơi cao ráo; có bố trí hệ thống giá kê và có bạt che phủ (có nơi đưa từng bao gạo vào bảo quản trong túi nilon riêng biệt) nên gạo dự trữ quốc gia không có hiện tượng ẩm mốc, suy giảm chất lượng trong thời gian sử dụng.

Về công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo: Đa số các trường đã thành lập Ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh, trong đó thành phần gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng làm Trưởng ban, các thành viên có đại diện Công đoàn trường, đoàn thanh niên, Tổng phụ trách Đội, đại diện phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm và đại diện chính quyền địa phương sở tại. 

Tại các trường có mở sổ theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng gạo hàng ngày, hàng tháng, từng học kỳ và cả năm học; số lượng gạo còn dư do số lượng học sinh nghỉ học (nghỉ ốm, chuyển trường hoặc bỏ học) được các trường xử lý, giải quyết theo hướng: Giao cho phụ huynh học sinh mang về nhà hoặc cấp ứng trước cho phụ huynh học sinh hoặc nhà trường giữ lại để bảo quản, sử dụng theo thời gian năm học.

 


 

Trong 3 năm học vừa qua Chính phủ đã hỗ trợ trên 196.000 tấn gạo DTQG

cho hơn 500.000 lượt học sinh/năm học của 49 tỉnh thành phố trong cả nước.

 

Thưa Tổng cục trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hẳn cũng có không ít những khó khăn, trong quá trình thực hiện?

- Tại một số địa phương, do điều kiện cơ sở vật chất của các trường học còn thiếu nên công tác bảo quản gạo còn gặp nhiều khó khăn; do một số địa phương còn khó khăn về ngân sách nên việc bố trí kinh phí vận chuyển gạo từ trung tâm huyện về tại điểm trường để cấp phát cho học sinh còn chưa thống nhất (có địa phương được bố trí kinh phí của tỉnh, của huyện; có một số địa phương giao cho các trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên của trường để vận chuyển gạo) và có địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí vận chuyển gạo từ huyện đến các trường học.

Do đặc thù của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn có sự biến động tăng, giảm liên tục (bỏ học, chuyển trường, nghỉ học...) nên công tác thống kê, rà soát, báo cáo số học sinh, số gạo hỗ trợ tại mỗi thời điểm, nên việc tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo của các trường để báo cáo UBND các tỉnh thường bị chậm hoặc phải điều chỉnh (tăng, giảm) nhiều lần.

Công tác vận chuyển giao, nhận gạo gặp khó khăn; địa bàn hỗ trợ phân bố rộng, địa hình cách trở, khoảng cách vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các điểm trường có cự ly xa, nhất là trong điều kiện mùa mưa lũ.

Do tác động của thiên tai, thời tiết và sự di dời của địa bàn dân cư, sự điều chỉnh các đơn vị hành chính, sự thành lập mới các trường, sự thay đổi điều chỉnh vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban dân tộc dẫn đến khó khăn cho quá trình rà soát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách và ban hành quyết định phân bổ gạo cho các đối tượng thụ hưởng. 

Để bảo đảm chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ có những giải pháp gì, thưa Tổng cục trưởng

  - Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các Cục DTNN KV chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo. Đồng thời rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Ủy ban Dân tộc cùng tham gia, giám sát việc cấp phát, sử dụng gạo và thông báo ngay mọi thông tin phản ánh liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho các địa phương để kịp thời có biện pháp khắc phục, giải quyết.

Đề nghị Ủy ban dân tộc chỉ đạo các Ban Dân tộc của các địa phương tăng cường công tác phối hợp cùng với các Cục DTNN KV phụ trách địa bàn và các Sở, ban, ngành của địa phương để kiểm tra, giám sát quá trình phân phối, sử dụng, bảo quản gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ thực hiện chính sách, bảo đảm đúng đối tượng, mục đích và quy định hiện hành; sớm ban hành Quyết định liên quan đến vùng khó khăn để giúp các địa phương có cơ sở pháp lý tổ chức triển khai, thực hiện chính sách theo đúng thời gian quy định.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trong đó quy định cụ thể về các đối tượng, điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ (sẽ bao gồm cả kinh phí hỗ trợ bằng tiền mặt và hỗ trợ gạo cho học sinh), phương thức chi trả, nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ và trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, ngay sau khi Nghị định của Chính phủ ban hành, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành liên quan để xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn để các địa phương thống nhất, triển khai thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng


 Kim Thanh – Hồng Sâm (Thực hiện)

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”