Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nam Định triển khai thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn
05:05 PM 11/12/2024
(LĐXH)- Triển khai thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn (BETTER WORK) ở Nam Định đã góp phần đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người lao động trong doanh nghiệp; giúp người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về lao động, giúp người lao động yên tâm sản xuất gắn bó lâu dài với công ty, hạn chế tranh chấp lao động…
Lực lượng lao động của tỉnh Nam Định có khoảng 1,1 triệu người. Trong năm 2024, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.067.956 người, trong đó có 311.843 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 29,2% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 446.299 người, chiếm 41,8%; khu vực dịch vụ 309.814 người, chiếm 29%.
Toàn tỉnh có trên 6.300 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 218.000 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, trong đó có khoảng 49.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Qua tổng hợp theo dõi, số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng như trong các năm qua, việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp không đồng đều, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động; các doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp dệt may, da giày với số doanh nghiệp dệt may đến thời điểm hiện tại là hơn 500 doanh nghiệp.

Người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần may Sông Hồng (tỉnh Nam Định)

Tính đến đầu tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 15 doanh nghiệp tham gia Chương trình BETTER WORK. Trong đó, năm 2014 có 01 doanh nghiệp(Công ty Cổ phần may Nam Hà); đến năm 2016, có thêm 02 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần may Sông Hồng - tham gia với 5 Nhà máy và Công ty Cổ phần Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy); năm 2018, có thêm 03 doanh nghiệp (Công ty TNHH Padmac Viêt Nam, Công ty TNHH May YSS, Công ty TNHH May Viêt Thuận; năm 2019, có thêm 03 doanh nghiệp (Công ty TNHH Yamany Dinasty; Công ty Cổ phần May thể thao chuyên nghiệp Giao Yến; Công ty TNHH Youngone Nam Định); năm 2021, có thêm 01 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần TCE Vina Denim); năm 2022, có thêm 01 doanh nghiệp (Công ty TNHH Ramatex Nam Định); năm 2023, có thêm 01 doanh nghiệp (Công ty TNHH May mặc Yunzhen); năm 2024, đến thời điểm hiện tại có thêm 03 doanh nghiệp (Công ty TNHH sản xuất TNVN; Công ty CP dệt nhuộm Hải Minh; Công ty TNHH May Artiverse) tham gia.
Tại 15 doanh nghiệp tham gia Chương trình, có tổng số 39.090 lao động; trong đó, có 35.181 lao động nữ, 34.790 lao động sản xuất trực tiếp, 2.133 lao động ngoại tỉnh. Có 14/15 doanh nghiệp đã ban hành quy chế, kế hoạch thực hiện Chương trình; đã thành lập 14 ban PICC (Ban tư vấn cải tiến doanh nghiệp) với tổng số 234 người và có 59 người đại diện doanh nghiệp tham gia. Hiện tại, theo hướng dẫn của Better Work Việt Nam đã giải tán 14 ban PICC từ 01/8/2024 và chuyển sang hoạt động cải tiến doanh nghiệp có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, công đoàn cơ sở và làm việc trực tiếp với tư vấn viên của Better Work Việt Nam.
Từ khi triển khai tại các doanh nghiệp trên địa bànđịa phương (năm 2014) đến nay, Chương trình đã tiến hành các hoạt động đánh giá đối với các doanh nghiệp đăng ký để kiểm tra và cải tiến sự phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế và các yêu cầu pháp lý quốc gia về điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Tư vấn giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc theo hướng an toàn, khoa học, tiên tiến; củng cố mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; giúp người lao động yên tâm làm việc. Hạn chế các tai nạn, rủi ro trong quá trình làm việc; học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các lãnh đạo và chuyên gia trong ngành; nâng cao hiệu quả công việc; giảm thiểu các thiệt hại, tổn thất do điều kiện lao động không đảm bảo. Đồng thời, giảm bớt các cuộc kiểm tra, đánh giá về môi trường làm việc; đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế và các yêu cầu pháp lý quốc gia về điều kiện lao động; nâng cao uy tín và danh tiếng thương hiệu; tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành; mở ra các cơ hội hợp tác và kinh doanh mới.
Chương trình cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký đánh giá; ký kết hợp đồng và chuẩn bị đánh giá Better Work và tổ chức các hoạt động đánh giá; tư vấn theo quy trình do Better Work quy định với nội dung đánh giá theo các tiêu chí chủ yếu sau: các vấn đề thuộc về chấp hành pháp luật lao động Việt Nam; lương và phúc lợi; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn vệ sinh lao động; hợp đồng lao động... Các vấn đề thuộc về tiêu chuẩn lao động Quốc tế (tham chiếu tới luật Việt Nam) như: lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; phòng chống phân biệt đối xử; tính tự chủ của công đoàn cơ sở và thỏa ước lao động tập thể…
Bên cạnh đó, Chương trình tư vấn thông qua các hoạt động tiếp xúc, làm việc với đại diện lãnh đạo nhà máy, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở…; trao đổi về mục đích của hoạt động tư vấn và chương trình tư vấn dự kiến, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự đánh giá, kế hoạch cải tiến, và các mốc thời gian theo khung tư vấn doanh nghiệp. Họp với đại diện doanh nghiệp, đại diện công đoàn cơ sở và người lao động về các nội dung tư vấn theo báo cáo đánh giá, theo yêu cầu đề xuất của doanh nghiệp, và dựa trên các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Cùng với đó là lồng ghép đào tạo, nâng cao năng lực cho nhà máy và các thành viên tham gia về các kỹ năng: giải quyết vấn đề, xác định vấn đề, đánh giá rủi ro, kiểm soát rủi ro, quản lý hệ thống, nâng cao nhận thức về giới, lồng ghép giới. Hướng dẫn nhà máy xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến bao gồm các hành động mà doanh nghiệp sẽ thực hiện để khắc phục các vấn đề trong báo cáo đánh giá, hướng tới phòng ngừa và cải tiến. Thông qua hoạt động tư vấn và đánh giá, doanh nghiệp chủ động thực hiện việc cải tiến và chịu trách nhiệm với các bên liên quan về tiến độ cải tiến của doanh nghiệp.
Có thể nói, các hoạt động của Chương trình đã có tác động tích cực tới doanh nghiệp, đặc biệt là cải thiện điều kiện lao động, nâng cao sự tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về lao động; tăng cường phát huy quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải tiến doanh nghiệp. Chương trình cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định tham gia được tiếp cận nhiều nhãn hàng chất lượng, giảm chi phí đánh giá, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Chí Tâm

TAG: Chương trình Việc làm tốt hơn
Tin khác
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực