Nam Định thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo
(LĐXH)-Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nói chung và của tỉnh Nam Định nói chung nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo như: chính sách nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế,… Cụ thể, thực hiện Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11-2-2014 của Bộ Tài chính, các địa phương trong tỉnh đã triển khai hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội. 100% hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được thụ hưởng chính sách bằng tiền được chi trả theo quý và trực tiếp đến từng hộ gia đình. Cùng với đó, 100% người nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế. Từ năm 2016 đến hết tháng 12-2019, toàn tỉnh có 1.030 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956; 268 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 116 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo. Tổng vốn đầu tư xây mới và sửa chữa nhà ở hộ nghèo từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội là 9.590 triệu đồng.
Với người dân Nam Định, nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Nam Định phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai nhiều năm qua đã tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ năm 2016 đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 12.570 hộ nghèo, 27.035 hộ cận nghèo, 12.557 hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn. Các dự án cho vay đã giải quyết việc làm cho 5.324 lao động; giúp 5.693 hộ thoát nghèo, 3.175 hộ thoát cận nghèo; 3.758 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện theo học đại học, cao đẳng, trung cấp; xây dựng 62.337 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; xây mới và sửa chữa 384 nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo, 57 nhà ở xã hội.
Tỉnh Nam Định cũng chú trọng việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo để tạo điều kiện cho các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Năm 2017, UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo “Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Từ năm 2016-2019, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 14 lớp tập huấn huấn kỹ thuật sản xuất cho 933 lao động; hỗ trợ 473 hộ gia đình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Sở LĐ-TB và XH xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển nuôi ong mật; mô hình nuôi bò sinh sản tăng thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tính đến hết năm 2019, tổng số có 249 hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng 2 dự án.
Với nỗ lực của các cấp, ngành và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đời sống nhân dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, từ năm 2010 đến nay, số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh nâng lên đến trên 80%; ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm, mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%. Nhiều địa phương trong tỉnh có cách làm hiệu quả khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như các huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường,...
Thời gian tới, các cấp, ngành liên quan tiếp tục rà soát, thẩm định, thống kê số lượng người nghèo, hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huy động mọi nguồn lực chăm lo giúp đỡ; tuyên truyền nhân dân không trông chờ, ỷ lại, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương./.
Mỹ Hạnh
TAG: