An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Nam Định: Tăng cường phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
03:30 PM 20/02/2020
Những năm qua, việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực; chế độ, điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN) từng bước được cải thiện. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).
Nam Định có khoảng 1.000 DN sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 65.000 lao động. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, DN thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Đặc biệt, từ sau khi Luật ATVSLĐ 2015 có hiệu lực, các quy định pháp luật về ATVSLĐ được hướng dẫn, triển khai thực hiện tốt, như: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN...
Bên cạnh đó, các đơn vị, DN cũng thường xuyên đầu tư, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn thiết bị, nhà xưởng, khí thải, nước thải, tiếng ồn… tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động.

Công ty dược phẩm Xuân Thủy trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân
Ngoài ra, hàng năm, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ; tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống BNN; kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất vi phạm.
Qua kiểm tra cho thấy, nhiều DN đã thành lập bộ máy thực hiện công tác ATVSLĐ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động.
Các đoàn kiểm tra cũng yêu cầu DN, cơ sở sản xuất củng cố và hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra về vệ sinh lao động, phòng chống BNN; tổ chức bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về VSLĐ, phòng chống BNN và sơ cấp cứu cho người lao động khi bị tai nạn lao động; không ngừng cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, tăng cường hệ thống thông gió tại các nhà xưởng, bố trí đủ nước uống, nước sạch cho người lao động; thực hiện khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám BNN và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về bảo hộ lao động để đảm bảo sức khỏe cho người lao động...
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở một số đơn vị, địa phương và DN trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn hạn chế. Tình trạng vi phạm quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ vẫn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực thi công xây dựng, sử dụng điện…
Để tăng cường phòng tránh BNN, tai nạn cho người lao động, theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ Luật lao động; hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các DN sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm.
Đối với DN, cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý...); tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm BNN để điều trị kịp thời.
Người lao động, cần có ý thức thực hiện các quy định ATVSLĐ, không chủ quan, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động, biết tự bảo vệ sức khỏe và có yêu cầu chính đáng về chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc.
Với việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực, Nam Định đã và đang tạo được bước chuyển biến trong công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, DN. Qua đó góp phần tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh phát triển thuận lợi.

Thanh Tâm
 
TAG:
Tin khác
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản