Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
10:48 AM 24/12/2024
(LĐXH)- Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, tỉnh Nam Định đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh quyết việc làm mới cho khoảng 26.250 lượt người lao động (đạt 78,83% kế hoạch), trong đó đưa 3.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 228,57% kế hoạch).
Đến nay, cơ cấu lao động của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.067.956 người, trong đó có 311.843 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 29,2% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 446.299 người, chiếm 41,8%; khu vực dịch vụ 309.814 người, chiếm 29%.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, Nam Định đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Dự án Nhà máy Xuân Trường II do Công ty cổ phần May Sông Hồng đầu tư tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Tỉnh đã xác định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm tăng thêm cho người lao động.
Tính trong 6 tháng năm 2024, Nam Định có trên 6.300 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 218.000 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, trong đó có khoảng 49.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Qua tổng hợp theo dõi, số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng như trong các năm qua, việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp không đồng đều, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động; các doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp dệt may, da giày với số doanh nghiệp dệt may đến thời điểm hiện tại là hơn 500 doanh nghiệp.
Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng số lượng lao động quy mô lớn đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày... góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong doanh nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp Nhà nước, tăng tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, để giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, Nam Định còn tăng cường hoạt động kết nối cung cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và hệ thống loa truyền thanh các xã về nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…
Kết quả trong 9 tháng năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm; tư vấn việc làm, học nghề cho 19.338 người lao động; giới thiệu việc làm thành công cho 6.663 người và tư vấn, giới thiệu đi làm việc có thời hạn ở ngoài nước cho 1.634 người.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2025, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung phát triển công nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ, du lịch nhằm tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cung cấp thông tin thị trường lao động và nâng chất lượng thông tin thị trường cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác cho vay, giải quyết việc làm...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững