Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Năm 2017 sẽ đào tạo cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn
06:04 PM 05/10/2016
(LĐXH)- Ngày 5/10, tại trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tổ chức họp đánh giá tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2016 và dự kiến kế hoạch năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Huỳnh Văn Tí, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg trủ trì buổi họp. Tham dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo cùng đại diện một số Bộ, Ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 5.500.000 lao động (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp và 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án khoảng 3.840.000 người. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1.100.000 lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 760.000 người. Sau đào tạo có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã (bình quân khoảng 100.000 lượt cán bộ/năm). Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn này khoảng 12.500 tỷ đồng (riêng ngân sách Trung ương là 7.200 tỷ đồng)…
Năm 2016 là năm đầu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đã có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả trong 8 tháng đầu năm, cả nước có gần 400.000/950.000 lao động nông thôn học nghề (đạt 42% kế hoạch), trong đó gần 200.000 người được hỗ trợ học nghề; ước thực hiện trong năm 2016 sẽ hỗ trợ học nghề cho khoảng 479.7000 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Dự kiến kế hoạch trong năm 2017 sẽ đào tạo cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 700 nghìn lao động nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật với tổng kinh phí trên 2.750 tỷ đồng…
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Huỳnh Văn Tí phát biểu tại cuộc họp
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, khó khăn, vướng mắc hiện nay là hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ kinh phí chậm; cả nước mới có 62/63 địa phương bố trí kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016. Tổng kinh phí bố trí từ ngân sách Nhà nước là 496.140 triệu đồng, bao gồm: ngân sách Trung ương là 226.987 triệu đồng (bằng 45,4% năm 2015), ngân sách địa phương là 269.155 triệu đồng. Trong đó có những địa phương bố trí kinh phí rất thấp là: Phú Thọ 8%, Sơn La 11%, Kon Tum 20%, Ninh Bình 22%..., riêng tỉnh Bình Phước chưa bố trí kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Để khắc phục những khó khăn trên, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đã đưa ra đề xuất là UBND các tỉnh cần phải căn cứ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, khả năng cân đối các nguồn kinh phí và trên cơ sở thực tế triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời chỉ đạo rà soát và phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 của địa phương, xác định cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, người khuyết tậ, lao động nữ hàng năm; phê duyệt kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo đối tượng, chính sách quy định đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng để phê duyệt lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững. Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương của Đề án; xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng; huy động, bố trí các nguồn vốn để bổ sung quỹ hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề vay vốn phát triển sản xuất, đảm bảo hiệu quả bền vững sau học nghề…
Đại diện Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - TBXH) báo cáo tình hình thực hiện Đề án
Riêng đối với Bộ Lao động – TBXH (Cơ quan thường trực thực hiện Đề án) sẽ xây dựng và hoàn thiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, đảm bảo các điều kiện hoạt động, giám sát; tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bỗ Lao động – TBXH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành điều phối, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án; hướng dẫn, tổng hợp kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm và 5 năm để triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ trì chỉ đạo và chịu trách về việc tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, hướng dẫn và tổ chức nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động