Năm 2017: Ninh Thuận đào tạo nghề cho lao động nông thôn vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao
(LĐXH)-Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Xác định đào tạo nghề nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm mới mang lại hiệu quả và bền vững, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm tại địa phương. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã hướng dẫn các tổ chức đoàn thể của xã, thôn tham gia vào việc tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn và định kỳ 6 tháng, hàng năm, 5 năm xây dựng báo cáo kết quả tình hình thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã chỉ đạo các xã bám sát và thực hiện nghiêm túc các nội dung của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đó là: triển khai điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, đề xuất xây dựng kế hoạch hàng năm; tổ chức kiểm tra, giảm sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã. Đặc biệt, tạo điều kiện hết sức cho người học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương; giúp người lao động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc giải quyết việc làm sau học nghề. Quan trọng nữa là hướng dẫn các xã lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học nghề, số người có việc làm sau học nghề theo từng hình thức, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ sau khi học nghề trên địa bàn, từ đó tiếp tục đề ra giải pháp đào tạo nghề đúng hướng cho người dân. Nhờ vậy, nhiều lao động thông thôn sau khi được đào tạo nghề đã ứng dụng vào thực tế cuộc sống, có việc làm ổn định, đời sống ngày một nâng lên.
Năm 2017, tổng kinh phí Ninh Thuận hỗ trợ lao động nông thôn học nghề là trên 5 tỷ đồng bao gồm phần hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Theo đó, đã tổ chức đào tạo được 88 lớp dạy nghề cho 2.741 lao động nông thôn, đạt 105,42% kế hoạch giao. Cụ thể, có 68 lớp nghề nông nghiệp với 2.188 lao động và 20 lớp nghề phi nông nghiệp với 553 lao động. Trong số những lao động này có trên 46,04%, tương đương 1.262 người học theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nông nghiệp và thương mại dịch vụ.
Nhìn chung, công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tiếp tục triển khai nhân rộng với các mô hình dạy nghề chế biến và bảo quản thủy sản gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của Công ty TNHH Thủy sản Thong Thuận, Công ty Cổ phần Dệt may Quang Phú. Đồng thời, UBND huyện đã chủ động trong triển khai các ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, góp phần khôi phục những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Các ngành nghề nông nghiệp đào tạo đã gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản phù hợp theo điều kiện của mỗi địa phương, giúp thanh niên lao động nông thôn vận dụng hiểu quả vào sản xuất. Nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên đi biển khuyến khích thanh niên ngư dân vươn khơi làm kinh tế và góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo.
Điển hình trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn phải kể đến các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng nho xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Xã Phước Thuận là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây nho, những năm qua cây nho đã mang lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, do duy trì cách thức trồng và chăm sóc cây nho truyền thống nên phần lớn diện tích nho ở Phước Thuận không đạt hiệu quả cao. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nho, tỉnh đã quy hoạch 30,8 ha trồng nho tại thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận theo mô hình trồng nho sạch gắn với du lịch. Để nông dân sớm nắm bắt kỹ thuật trồng và chăm sóc nho sạch, huyện Ninh Phước đã mở các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng nho, giúp nông dân xã Phước Thuận mạnh dạn đầu tư trồng nho theo kỹ thuật mới.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng nho, nhưng với ông Nguyễn Văn Tài ở thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận cho biết, việc tham gia lớp đào tạo nghề trồng nho sạch đã giúp ông cập nhật nhiều kiến thức mới, bổ ích như: cách bón phân tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật trong sản xuất nho an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống. Với những kiến thức được học, ông đã đầu tư hơn 2 sào trồng nho sạch theo kỹ thuật mới.
Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Ninh Phước đã mở 14 lớp dạy nghề cho 471 học viên, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: kỹ thuật trồng táo và nho, trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi dê, cừu, bò vỗ béo, chăn nuôi heo, may mặc. Đây là những nghề “thế mạnh” của huyện Ninh Phước, do vậy, các học viên sau học nghề đều ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải và Phước Hải; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo tại các địa phương; mô hình “1 phải, 5 giảm”. Bên cạnh đó, huyện Ninh Phước còn quan tâm giải quyết việc làm sau đào tạo đối với lao động học nhóm nghề phi nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, huyện Ninh Phước đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Từ đầu năm đến nay, huyện Ninh Phước đã giải quyết việc làm cho 3.380 lao động, đạt 125,18% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, có 2.660 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, 1.120 lao động được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 24 người xuất khẩu lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út.
Bước sang năm 2018, Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017, khắc phục những khó khăn, tồn tại để thực hiện mục tiêu đề ra trong năm mới là đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn, trong đó có 2.000 thanh niên lao động nông thôn theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg với tối thiểu 70% thanh niên lao động nông thôn qua đào tạo có việc làm hoặc vận dụng có hiệu qủa kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất; ưu tiên thực hiện các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch; tư vấn các chế độ, quyền lợi về học nghề đối với người đang hưởng BHTN, nhất là đối với lao động thất nghiệp chưa qua đào tạo để tổ chức dạy nghề; thực hiện xã hội hóa dạy nghề trên cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề ngoài công lập hoạt động hiệu quả./.
Nguyễn Đăng Doanh
TAG: