Na Hang gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở
(LĐXH)- Những năm qua, huyện Na Hang (Tuyên Quang) luôn chú trọng tới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác này.
Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Na Hang đã có những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề, nhờ đó nhiều lao động nông thôn sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đã tìm được việc làm ổn định. Đặc biệt, để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề, Na Hang đã tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động; đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch sản xuất và những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của từng địa phương. Các nội dung hỗ trợ sản xuất được gắn với các lớp dạy nghề cho người nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Anh Nông Văn Vương ở bản Giòng (xã Thượng Nông), phấn khởi tâm sự: Gia đình anh hiện đang dược hỗ trợ vay vốn đề mua và sử dụng máy cày và máy tuốt lúa. Trước kia, hễ máy móc hỏng phải đem ra trung tâm huyện sửa rất mất thời gian lại ảnh hưởng đến thời vụ. Sau khi được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, anh đã biết bảo dưỡng, sửa chữa máy nên rất yên tâm, lại chủ động trong sản xuất.
Hiện nay, việc đào tạo nghề ở Na Hang được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Anh Đặng Văn Minh, thôn Nà Kiếm (xã Hồng Thái) cho biết: Kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi. Tuy nhiên, do sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Được tham gia vào lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang mở, anh đã được bổ sung nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh cho vật nuôi…
Đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương là mục đích để những người làm công tác đào tạo nghề ở Na Hang hướng tới. Nhờ vậy, sau khi học xong, người lao động có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang trao đổi: Là địa phương vùng sâu, vùng xa, đồng bào đa số là dân tộc ít người, nhận thức còn nhiều hạn chế nên trong công tác đào tạo, Trung tâm luôn thực hiện phương châm học lý thuyết đi đôi với thực hành. Đối với cây trồng thì thực hành ngay tại ruộng, đối với vật nuôi thì hướng dẫn tại hộ gia đình theo kiểu cầm tay chỉ việc. Nhiều lớp dạy nghề dựa trên thế mạnh địa phương tiếp tục được tổ chức như: nuôi trồng thủy sản, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Từ đó, người dân đã nắm bắt được những kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất. Trong năm 2018, Trung tâm có kế hoạch mở 12 lớp dạy nghề cho 420 học viên. Để công tác dạy nghề ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền; cử cán bộ đến các thôn, xã, trường học để hướng nghiệp cho học sinh và lao động nông thôn.
Theo báo cáo, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay, huyện Na Hang đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động ở khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn có việc sau học nghề đạt trên 70%. Nhiều lao động sau học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Chí Tâm
TAG: