Mường Ảng đào tạo nghề theo nhu cầu
Bà Tô Thị Hạnh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: Thực hiện công tác đào nghề cho lao động nông thôn, các phòng: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện luôn cố gắng tạo điều kiện cho lao động được học nghề theo nhu cầu, phù hợp với thực tế địa phương nhằm đảm bảo yếu tố đầu ra sau khi kết thúc khóa học.
Mỗi lớp đào tạo nghề đều xây dựng một mô hình trình diễn từ khi khai giảng đến khi kết thúc để các học viên được quan sát, thực hành và thấy được hiệu quả khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhân rộng mô hình. Qua các lớp học nghề, người lao động thay đổi nhận thức trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận thị trường, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.
Các khóa đào tạo nghề nông nghiệp đều đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động. Điển hình như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến cây cà phê; kỹ thuật chăn nuôi gà vườn - đồi; kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn sinh học; chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đối với nghề phi nông nghiệp, từ năm 2013 đến nay huyện chỉ tổ chức được 3 lớp tại thị trấn Mường Ảng, xã Xuân Lao, Nặm Lịch nhưng cũng “chọn mặt gửi vàng” tổ chức đào tạo 2 nhóm nghề là xây dựng cơ bản, cơ khí. Bởi vì, cơ hội việc làm sau khi kết thúc khóa học của học viên rõ ràng hơn, thu nhập khá hơn những nghề khác như: Cắt may công nghiệp, điện dân dụng và sửa chữa xe máy. Từ năm 2010 đến nay, huyện Mường Ảng có hơn 3.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề. Trong đó, 75% học viên có việc làm sau học nghề; 27% số hộ gia đình thoát nghèo nhờ học nghề. Trên địa bàn các xã Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Xuân Lao... đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế khá.
Nếu như trước đây, bản Co Sáng, xã Ẳng Cang chủ yếu làm ruộng, chăm sóc cà phê thì nay người dân có thêm nghề mới là trồng rau an toàn. Nhận thấy trên địa bàn có nhiều diện tích ruộng không thể canh tác vì thiếu nước và nhiều bãi ven sông, suối phù hợp với trồng rau, màu, năm 2016 người dân bản Co Sáng đăng ký học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn. Đáp ứng nguyện vọng người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn tại bản với 35 học viên đăng ký tham gia. Sau khi kết thúc đào tạo, mô hình trồng rau an toàn không những được các học viên tham gia khóa đào tạo duy trì, phát triển mà còn nhân rộng ra nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Hiện nay, phần lớn lượng rau bán ở chợ thị trấn Mường Ảng đều do người dân xã Ẳng Cang sản xuất. Chị Lò Thị Ánh, người dân bản Co Sáng cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng rau phục vụ gia đình nên trồng theo kinh nghiệm là chính. Năm 2016, tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn, tôi biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả cao. Đến nay, gia đình tôi cải tạo hơn 1.000m2 ruộng bỏ hoang thành bãi trồng rau cho thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2010 đến nay, xã Ẳng Nưa đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng tổ chức 10 lớp đào tạo nghề tại các bản. 100% khóa học đều đào tạo nghề nông nghiệp: Kỹ thuật chăn nuôi gà đồi; chăn nuôi lợn thịt; kỹ thuật trồng rau an toàn; trồng, chăm sóc, chế biến cà phê... Đến nay, 100% học viên tham gia khóa đào tạo đều có việc làm hoặc tự tạo được việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết: Những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết hợp với một số chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tạo điều kiện để xã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, xã Ẳng Nưa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%, đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí hộ nghèo.
Theo Báo Điện Biên Phủ
TAG: