Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Muốn đứng ở thị trường công nghệ cao thì phải có sở hữu trí tuệ
06:01 PM 20/05/2021
(LĐXH)-Phụ trách các hoạt động liên quan đến sáng chế và sở hữu trí tuệ của đơn vị TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), anh Nguyễn Cương Hoàng, Phó TGĐ VHT, khẳng định việc đăng ký sáng chế là tất yếu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang có sự cạnh tranh lớn như lúc này.


Với 28 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam, 4 sáng chế được công nhận và bảo hộ tại Mỹ tính đến hết tháng 03/2021, VHT là đơn vị có số lượng sáng chế được công nhận nhiều nhất Tập đoàn. Chia sẻ với Viettel Family, anh Nguyễn Cương Hoàng khẳng định thành tích này đến từ việc đơn vị từ lâu đã chú trọng đến công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ.
- Là đơn vị sở hữu nhiều sáng chế được bảo hộ độc quyền, chắc hẳn VHT có bí quyết?
Đây là kết quả của 10 năm chuẩn bị các khâu về con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng... Chúng tôi phát triển dựa trên VTOPIC - những định hướng rất cơ bản trong nghiên cứu mà Tập đoàn đã quán triệt, nổi bật là các yếu tố công nghệ, hạ tầng, con người và sự cởi mở.
Về hạ tầng, Tập đoàn đã đầu tư khoảng hàng trăm tỉ đồng cho hạ tầng nghiên cứu gồm các lab, các công cụ, phần mềm mô phỏng trong hơn 10 năm qua. Đến bây giờ có thể khẳng định chúng tôi có hệ thống lab hiện đại nhất Việt Nam, và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Quan trọng nhất là yếu tố con người - điều đã được chúng tôi đặc biệt chú ý từ những ngày đầu thành lập. VHT tuyển dụng những kĩ sư tài năng của Đại học Bách Khoa và trong đội ngũ lúc này hơn 30% là tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về, chưa kể những chuyên gia quốc tế hàng đầu. Chúng tôi đang có những chuyên gia đang ngồi ở Mỹ, Singapore, Đài Loan và các chuyên gia đang ngồi chính ở Viêt Nam.
Chúng tôi cũng xác định phải cởi mở trong nội bộ, cởi mở ra bên ngoài, sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ. Điều này khác biệt với nhiều doanh nghiệp khác vì đôi khi họ giữ miếng, ngay cả trong nhóm nghiên cứu.
Các yếu tố nói trên góp phần tạo nên nền tảng cho ngành nghiên cứu sản xuất, nghiên cứu phát triển của Viettel nói chung và VHT nói riêng. 
Đến năm 2017, chúng tôi bắt đầu làm chủ các công nghệ lõi, từ công nghệ lõi đưa vào các sản phẩm. Đến thời điểm này, VHT đã có 54 tài sản trí tuệ được bảo hộ trong nước, trong số đó có 28 sáng chế. Tại Mỹ, chúng tôi có 4 tài sản trí tuệ được bảo hộ, đều là những sáng chế.
VTOPIC là định hướng nghiên cứu mà Tập đoàn quán triệt, gồm 5 yếu tố: V (Virtual - Ảo), T (Technology - Công nghệ), O (Open - Cởi mở), P (People - Con người), I (Infrastructure - Hạ tầng) và C (Challenge - Thách thức).
Nhóm nghiên cứu sáng chế trạm thu phát gốc vô tuyến của TT vô tuyến băng rộng (VHT)

- Tại sao việc bảo hộ sở hữu trí tuệ lại quan trọng với VHT đến vậy?
Công ty nào, tổ chức nào muốn phát triển công nghệ riêng, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề này từ rất sớm. Nếu để đối thủ copy và đăng ký sở hữu trí tuệ trước, chúng ta coi như mất cả công nghệ, mất lợi thế cạnh tranh.
Chúng tôi xác định rõ nếu muốn đứng được ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, đây cũng là hình thức để khuyến khích cán bộ công nhân viên, anh em kĩ sư làm sao biến các công nghệ lõi thành các sở hữu trí tuệ để đăng ký ở trong nước và quốc tế. Ví dụ Tập đoàn khen thưởng đối với sáng chế đầu tiên được đăng ký ở Mỹ là 100 triệu. Đây chính là động lực cho anh em kĩ sư, những người vốn đã rất bận rộn, vất vả.
- Những sáng chế đã đem lại cho VHT lợi thế như thế nào?
Chúng tôi có những sản phẩm rất hiện đại như: Máy thông tin thế hệ mới nhất (cognitive radio); Rada thế hệ 3D - thế hệ thứ tư - hiện đại nhất bây giờ; Các hệ thống chỉ huy điều khiển có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đấy. Chúng tôi hoàn toàn tự tin những sản phẩm ấy ở cấp thế giới và hoàn toàn có thể mang ra ngoài cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác.
Năm vừa rồi, tạp chí quốc phòng của Anh cũng bắt đầu nhìn nhận Viettel và VHT là một công ty quốc phòng công nghệ cao. Đấy là điều rất mừng của VHT trong năm qua.
- VHT đã từng có xung đột, mà phải dùng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ khi nào chưa? 
Hiện tại VHT cũng chưa gặp phải vấn đề các xung đột quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Thứ nhất, những mặt hàng của VHT tương đối đặc thù. Thứ hai là những sản phẩm của chúng tôi hiện tại ở trong nước, có thể nói là chưa có đối thủ. Tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị hành trang để sau này cạnh tranh thì có vũ khí để bảo vệ mình.
- VHT đặt mục tiêu thế nào về số lượng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ?
Sở hữu trí tuệ bản chất là quá trình tích lũy. Số bằng sở hữu trí tuệ phản ánh sức mạnh của một công ty công nghệ. VHT và Viettel đang trong quá trình tích lũy đấy.
Hàng năm, mục tiêu của chúng tôi là có từ 50 đến 100 sở hữu trí tuệ mới đăng ký ở trong nước và quốc tế. Lũy kế đến hiện tại, trong nước chúng tôi có 245 bằng sáng chế đang đăng ký và nếu năm nay thêm 50 nữa thì sẽ khoảng 300. Ở nước ngoài, cụ thể tại Mỹ, đang là 27 thì năm nay mục tiêu của chúng tôi phải tăng lên từ 35 đến 40./.
  PV


TAG:
Tin khác
Ngọc Long Plaza- Mô hình chợ trung tâm thương mại kết nối sinh kế bền vững cho bà con nhân dân huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Chiêm tinh tài chính - Lối rẽ từ khác biệt đến thành công của Mr Phú Hưng
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội chợ Làng nghề thành phố Hà Nội lần thứ 20- năm 2024
VSMCamp & CSMOSummit 2024 định hướng xây dựng chiến lược  sales và marketing trong xu hướng phát triển bền vững
Activax triển khai chiến dịch Mở khoản đầu tư Mở rộng yêu thương
Sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường
Chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt”: Nestlé Việt Nam tri ân người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên