Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững
09:04 AM 28/12/2024
(LĐXH)- Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững trong Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng mang lại những chuyển biến tích cực cho thị trường lao động và người nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Tiểu dự án này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm giảm hiệu quả thực hiện và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Sau hơn hai năm triển khai Tiểu dự án 3 Hỗ trợ việc làm bền vững, các địa phương trên cả nước đã tích cực thực hiện các hoạt động hướng đến cải thiện cơ hội việc làm cho người dân nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Tuy nhiên, quá trình giám sát và đánh giá cho thấy nhiều bất cập nghiêm trọng trong các khâu từ phân bổ nguồn vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng đến tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Một trong những vấn đề lớn nhất là việc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý. Trong năm 2022, nhiều địa phương không phân bổ đủ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện năm hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thậm chí, đến năm 2023, một số địa phương chỉ tập trung kinh phí vào ba hoạt động chính: quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hỗ trợ giao dịch việc làm và thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Những hoạt động quan trọng khác như xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người và hỗ trợ kết nối việc làm thành công hầu như không được triển khai hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cách phân bổ vốn dựa trên nguyên tắc tỷ lệ 10-90 giữa ngân sách địa phương và trung ương, mà không tính đến nhu cầu thực tế tại từng địa phương.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động vẫn diễn ra rất chậm. Một số địa phương chỉ mới dừng lại ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư, trong khi những nơi khác phân bổ kinh phí không đồng bộ, gây khó khăn cho cấp huyện trong việc triển khai. Thậm chí, nhiều địa phương đã sử dụng kinh phí để sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới cơ sở vật chất thay vì đầu tư vào trang thiết bị công nghệ thông tin cần thiết. Hệ quả là việc hình thành các sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ban đầu.
Tại một số trung tâm dịch vụ việc làm, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm còn mang tính thụ động (Ảnh minh họa)
Hoạt động "hỗ trợ giao dịch việc làm" cũng gặp nhiều trở ngại. Tại một số trung tâm dịch vụ việc làm, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ này còn mang tính thụ động, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, có nơi chưa được phân bổ kinh phí để thực hiện, làm giảm cơ hội tiếp cận thông tin việc làm của người lao động nghèo.
Ngoài ra, hoạt động "thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động" chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều địa phương chưa triển khai hoặc không phân bổ đủ kinh phí cho hoạt động này. Một số nơi đã thực hiện nhưng không báo cáo cụ thể kết quả về các ấn phẩm phân tích và dự báo thị trường lao động. Điều này làm giảm hiệu quả trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho các bên liên quan.
Một tồn tại khác là hoạt động "quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" còn thiếu sự đồng bộ trong hướng dẫn và triển khai. Việc ban hành các quy định về mức chi liên quan đến thiết kế và nhập dữ liệu người lao động chậm hơn so với yêu cầu thực tế. Một số địa phương đã triển khai nhưng không đúng với quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH, dẫn đến những khó khăn trong việc thu thập thông tin chuẩn xác và đầy đủ.
Đáng lo ngại nhất là hoạt động "xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc" và "hỗ trợ kết nối việc làm thành công". Phần lớn các địa phương chưa thực hiện hoặc gặp lúng túng trong việc triển khai. Việc chứng minh "kết nối việc làm thành công" thông qua giao kết hợp đồng lao động vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả thấp trong việc tạo việc làm bền vững.
Cuối cùng, công tác báo cáo, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định. Nhiều địa phương chưa phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu, nội dung cần báo cáo, gây khó khăn lớn cho việc tổng hợp và đánh giá của các đơn vị chủ trì. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả giám sát mà còn gây trở ngại trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong cả khâu chính sách lẫn thực thi. Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để các địa phương chủ động hơn trong việc triển khai Tiểu dự án 3 phù hợp với tình hình thực tế. Việc phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Công an trong thu thập dữ liệu lao động cần được đẩy nhanh, đồng thời sớm phân bổ kinh phí từ trung ương đến địa phương để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Về phía địa phương, cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo thực hiện đầy đủ các hoạt động thuộc Tiểu dự án 3. Đặc biệt, cần bố trí nguồn lực hợp lý cho các trung tâm dịch vụ việc làm, đẩy mạnh hoạt động giao dịch việc làm và xây dựng cơ sở dữ liệu việc làm. Công tác giám sát, đánh giá cần được tăng cường, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Tiểu dự án 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Những tồn tại, hạn chế hiện tại nếu không được khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ việc làm, lãng phí nguồn lực. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời của Nhà nước và cơ quan chức năng liên quan với những bước đi quyết liệt và đồng bộ hơn để nâng cao hiệu quả của Tiểu dự án này./.
Hải Uyên
TAG: Tiểu dự án 3 hỗ trợ việc làm bền vững
Tin khác
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
Tuyên Quang: Thực hiện chặt chẽ  việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật  thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng
Những kết quả nổi bật của Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững
Một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững
TP.HCM: Nhiều đầu việc mới đang đợi người tìm việc
Hỗ trợ việc làm góp phần giảm nghèo bền vững ở Bình Sơn
Thị xã Ngã Năm: Đột phá trong công tác tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo bền vững