MHGROUP và VKBIA Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất sâm nam núi Dành
(LĐXH)-Ngày 8-8-2022, bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn MHGROUP (MHGROUP), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam (VKBIA); ông Bae Daein, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc đã có cuộc khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất sâm nam núi Dành ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang).
Theo UBND huyện Tân Yên, hiện trên địa bàn có hơn 30 ha trồng sâm nam, chủ yếu ở các xã: Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến… Trong đó có 18 ha cho thu hoạch hoa và 2,5 ha cho thu hoạch củ. Hiệu quả kinh tế ước đạt 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm. Sâm nam núi Dành có nhiều dưỡng chất quý, là sản vật nổi tiếng của địa phương.
Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm sâm nam núi Dành, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng Saponin của cây sâm nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc (hoạt chất Saponin có tác dụng dược tính cung cấp nhiều axit amin, vitamin, khoáng chất… giúp tăng cường sinh lực, khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa). Sản phẩm sâm nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” trên địa bàn xã Liên Chung và xã Việt Lập. Sâm nam núi Dành sản phẩm khô được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.
Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất sâm nam núi Dành, bà Nguyễn Thị Minh Hằng cùng đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự ấn tượng trước đặc tính đáng quý của sản phẩm và phương pháp trồng, chăm sóc ở các mô hình, tạo ra sự khác biệt so với những khu vực trồng sâm trong nước và thế giới. Cụ thể, tiềm năng phát triển là rất lớn vì điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp; sâm nam núi Dành có thể cho khai thác từ lá, hoa cho đến củ, từ đó chế biến thành sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại buổi khảo sát, ông Bae Daein, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu đến các đại biểu một số công nghệ tiên tiến trong trồng, chăm sóc, chế biến sâm, đặc biệt là kỹ thuật trồng sâm mầm có ưu điểm khai thác nhanh, ngắn ngày, không phụ thuộc vào thời tiết, có thể ứng dụng vào thực tế của huyện Tân Yên. Đồng thời là mô hình kết hợp phát triển du lịch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Các đại biểu tìm hiểu về cây sâm cổ ở xã Việt Lập, huyện Tân Yên.
Sau khi trao đổi, làm rõ những lĩnh vực có thể hợp tác, đồng chí Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tân Yên cho biết, huyện đã xây dựng đề án phát triển sâm nam núi Dành trên địa bàn giai đoạn 2022- 2027. Mục tiêu của huyện là mở rộng diện tích trồng sâm, đến năm 2027 có khoảng 100 ha và năm 2030 có 150 ha. Huyện Tân Yên cam kết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng hợp tác, tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn, bền vững. Hình thành chuỗi liên kết và ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa từ sâm nam núi Dành, sớm được công nhân là sản phẩm quốc gia.
Tại buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Minh Hằng đã giới thiệu khái quát về MHGROUP. Đây là một tổ chức tư vấn quản lý - đầu tư, tư vấn kết nối, tư vấn truyền thông có uy tín trong lĩnh vực tài chính - dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, kiểm toán, thuế, hải quan, logistic. Tập đoàn đồng thời đào tạo truyền nghề, đào tạo chuyên sâu và cung ứng nhân sự theo nhu cầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - chứng khoán - kiểm toán - logistics.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, tháng 12-2021, tại tỉnh Lai Châu, MHGROUP và VKBIA Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hiệp hội Sâm Lai Châu, Hội Nông sản Lai Châu với các đối tác Hàn Quốc như Hiệp hội Nghệ nhân nông nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc, Hiệp hội Nội dung Hàn - Việt về việc trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm cùng các cây nông nghiệp khác tại Lai Châu. Tháng 6-2022, tại Điện Biên, MHGROUP và VKBIA Việt Nam đã kết nối và ký kết với Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cùng các huyện thuộc tỉnh Điện Biên về Thỏa thuận hợp tác phát triển, nuôi trồng và chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng sâm nhằm phát triển nuôi trồng, chế biến và thương mại các sản phẩm từ cây sâm tại tỉnh Điện Biên.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây sâm nam núi Dành tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên.
“Qua khảo sát thực tế, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng và thế mạnh của huyện Tân Yên khi nơi đây có tới hơn 30 ha trồng sâm nam, trong đó có 18 ha cho thu hoạch hoa, 2,5 ha cho thu hoạch củ, mang lại hiệu quả kinh tế ước đạt 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm. Với vai trò là đơn vị cầu nối để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, MHGROUP mong muốn sẽ kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc để đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất sâm nam núi Dành. Trong đó, sẽ chú trọng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng, phát triển, chế biến cây sâm nhằm góp phần nâng cao đời sống của người dân huyện Tân Yên và đưa sâm nam núi Dành trở thành sản vật của tỉnh Bắc Giang cũng như Việt Nam thời gian tới” – bà Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh./.
Mỹ Hạnh
TAG: