An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Măng tre Bát độ - cây xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ dân Yên Bái
02:06 PM 20/10/2020
(LĐXH)- Măng tre Bát độ được trồng tại Yên Bái từ năm 2012, đến nay, loại cây này đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở vùng cao Yên Bái.
Cây tre măng Bát độ được đưa vào trồng tại Yên Bái từ năm 2012, tới nay, tổng diện tích tre măng Bát độ của tỉnh khoảng trên 4.250 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.550 ha (huyện Trấn Yên 1.900 ha, huyện Yên Bình 200 ha, huyện Lục Yên 200 ha, huyện Văn Chấn 150 ha, huyện Văn Yên 100 ha).
So với nhiều địa phương trong cả nước đưa vào trồng thử nghiệm, Yên Bái được đánh giá là tỉnh duy nhất có chương trình trồng tre măng Bát độ thành công, có khối lượng sản phẩm lớn trở thành hàng hóa xuất khẩu với sản lượng măng thương phẩm trung bình hàng năm đạt 20.000 tấn. 
Người dân thu hoạch măng tre Bát độ
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, tre Bát độ được xác định là một trong các loại cây trồng chủ lực, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cao giá trị và phát huy lợi thế của địa phương. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, tỉnh Yên Bái sẽ hình thành vùng sản xuất măng tre tập trung, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô 6.600 ha, hằng năm cung cấp từ 100 - 120 nghìn tấn măng tươi cho thị trường trong và ngoài nước.
Trấn Yên là huyện có diện tích trồng tre Bát độ lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Khi thu hoạch, măng tre Bát độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre khác. Toàn bộ diện tích hiện nay của huyện là 3.000 ha với sản lượng trên 35 nghìn tấn măng vỏ tươi mỗi năm, giá trị kinh tế mang lại từ loại cây trồng này lên tới gần 50 tỷ đồng. Cây được trồng tập trung tại các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh...
Gia đình ông Dương Kim Hưng, thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng măng tre Bát độ. Hiện gia đình ông có khoảng 7 ha, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 5 ha với sản lượng 30 tấn, giá trị thu về hơn 100 triệu đồng.
Ông Dương Kim Hưng chia sẻ, trồng măng tre Bát độ không mất nhiều công chăm sóc, mà giá trị thu về lại cao, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân một lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng khác, ngoài ra còn tạo thêm việc làm cho bà con trong xã.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cán bộ nông nghiệp của huyện thường xuyên có mặt tại cơ sở, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch măng để mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu chất lượng không được đảm bảo thì sẽ bị trả lại toàn bộ sản phẩm, vì thế mà từ lúc trồng đến lúc sơ chế tại nhà, các hộ gia đình luôn cẩn thận, đảm bảo tuyệt đối các khâu.
Hiện nay, Yên Bái có hai đơn vị chính thu mua là Công ty cổ phần Yên Thành và Công ty TNHH Vạn Đạt với sản lượng thu mua chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh, còn lại 30% sản lượng măng được tiêu thụ tại các chợ truyền thống trong tỉnh và một số công ty ở các tỉnh khác đến thu mua.
Măng tre Bát độ được thực khách rất ưa chuộng
Từ thực tiễn cũng như tính hiệu quả của cây tre măng Bát độ, cùng với sự đồng hành của các công ty, doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh cũng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm tre măng Bát độ tỉnh Yên Bái; thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát độ tại huyện Trấn Yên và Văn Yên; triển khai Đề án phát triển tre măng Bát độ... Tuy nhiên, diện tích, năng suất của cây tre măng Bát độ vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. 
Nguyên nhân là do còn nhiều hộ trồng tre măng Bát độ thực hiện theo phương thức quảng canh, không chăm sóc, thu hoạch sai quy trình, kinh nghiệm chiết cành còn nhiều hạn chế nên nguồn cung ứng giống chưa đảm bảo dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp; nhiều hộ chỉ tận dụng đất ven chân đồi, bờ ao, khe suối hoặc trồng xen dưới tán rừng mà chưa trồng quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa…
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa tre măng Bát độ trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha tre măng Bát độ kinh doanh, tới đây rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân. 
Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của cây tre măng Bát độ đến người dân; tập trung phát triển vùng nguyên liệu; triển khai đại trà, đồng bộ phương pháp nhân giống mới giúp cây măng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao; triển khai hiệu quả các dự án liên kết, các đề án, dự án về phát triển cây tre măng Bát độ đã được tỉnh phê duyệt và tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc tre măng Bát độ cho người dân./.
Hồng Anh
TAG:
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả