Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Định hướng xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm tại Việt Nam
08:56 AM 02/11/2016
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm tại Việt Nam với 5 quan điểm và 4 nguyên tắc chính. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội phê duyệt vào năm 2018.
Ảnh minh hoạt. Nguồn internet

Sự cần thiết phải xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), trên cơ sở thực tế công tác phòng, chống mại dâm những năm qua và bối cảnh kinh tế-xã hội trong những năm tới, định hướng nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm tại nước ta cũng đặt các vấn đề ưu tiên, đó là phải tăng cường phòng ngừa; xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm. Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.

Nhận thức về lý luận và phương pháp tiếp cận về bảo đảm quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đã ghi nhận trong Hiến pháp nhưng chưa được cập nhật, bổ sung. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, bảo đảm bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về vấn đề mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; những quy định hiện hành không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp, biện pháp, phương pháp tiếp cận mới trong công tác phòng, chống mại dâm; chưa cụ thể về điều kiện để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa mại dâm; chưa có các chính sách, quy định dịch vụ hỗ trợ phù hợp đối với người bán dâm khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.

Chính vì vậy, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.

5 quan điểm và 4 nguyên tắc chính

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm được tiến hành dựa trên 5 quan điểm chủ đạo.

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Thứ hai, luật hóa các quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về phòng, chống mại dâm đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đồng thời bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và đảm bảo tính khả thi.

Tiếp đến, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm và hỗ trợ, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Đồng thời, việc xây dựng Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết, khảo sát thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm trong những năm qua và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực này của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cuối cùng là tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mại dâm.

Về các nguyên tắc xây dựng Luật, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, Luật cần xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mại dâm. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản này là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị-pháp lý quan trọng trong chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống mại dâm.

Dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản dựa trên 4 tiêu chí: Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng; mọi hành vi phạm tội liên quan đến mại dâm đều phải được ngăn chặn, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác theo quy định của pháp luật; kết hợp sức mạnh của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống mại dâm; phòng, chống mại dâm phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống mại dâm là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Hơn nữa, để công tác phòng, chống mại dâm phát huy hiệu quả, cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

Nhật Thy/Tiếng chuông

TAG:
Tin khác
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)