Long An: Phát huy hiệu quả những chính sách giảm nghèo trong đời sống nhân dân
(LĐXH)-Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, bằng quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh Long An đã giảm dần qua từng năm; đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ và vốn huy động từ các nguồn lực khác, tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững 224,792 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 83,944 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 58,442 tỉ đồng; vốn địa phương 12,186 tỉ đồng; vốn huy động trong dân 17,961 tỉ đồng và vốn huy động tổ chức, doanh nghiệp khác 52,259 tỉ đồng.
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, tỉnh đầu tư xây dựng 1.994 nhà Đại đoàn kết với kinh phí trên 74 tỉ đồng và sửa chữa 328 nhà Đại đoàn kết, với kinh phí trên 3,6 tỉ đồng; tặng quà tết cho người nghèo 392.289 phần với kinh phí trên 32,7 tỉ đồng; cấp 390.781 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng bảo trợ, với kinh phí gần 233 tỉ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, tỉnh hỗ trợ cho 15.698 người thuộc hộ nghèo với số tiền 11,9 tỉ đồng; 38.259 người thuộc hộ cận nghèo với số tiền trên 28,7 tỉ đồng; 55.427 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với số tiền trên 82,5 tỉ đồng; hỗ trợ cho 6.784 hộ bán vé số dạo với tổng kinh phí 5,088 tỉ đồng. Đặc biệt, chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh thực hiện chương trình xây dựng, sửa chữa 990 căn nhà tình thương với kinh phí trên 44 tỉ đồng cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, tỉnh đầu tư xây dựng 1.994 nhà Đại đoàn kết với kinh phí trên 74 tỉ đồng và sửa chữa 328 nhà Đại đoàn kết, với kinh phí trên 3,6 tỉ đồng; tặng quà tết cho người nghèo 392.289 phần với kinh phí trên 32,7 tỉ đồng; cấp 390.781 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng bảo trợ, với kinh phí gần 233 tỉ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, tỉnh hỗ trợ cho 15.698 người thuộc hộ nghèo với số tiền 11,9 tỉ đồng; 38.259 người thuộc hộ cận nghèo với số tiền trên 28,7 tỉ đồng; 55.427 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với số tiền trên 82,5 tỉ đồng; hỗ trợ cho 6.784 hộ bán vé số dạo với tổng kinh phí 5,088 tỉ đồng. Đặc biệt, chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh thực hiện chương trình xây dựng, sửa chữa 990 căn nhà tình thương với kinh phí trên 44 tỉ đồng cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở.
Ngoài quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, Đại đoàn kết cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở, tỉnh còn chuyển dần từ chính sách “cho không” sang “cho có điều kiện” bằng việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả,...
Tại huyện Châu Thành, hiện nay, huyện có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như trồng thanh long theo hướng VietGAP, nuôi bò sinh sản; góp vốn xoay vòng; nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế,... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt kế hoạch đề ra, đến nay huyện chỉ còn 1,39% hộ nghèo, 2,76% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm.
Đến cuối năm nay, gia đình anh Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, sẽ được xem xét thoát nghèo. Gia đình anh Sơn ít đất sản xuất, 2 người con đang tuổi tới trường, mẹ già không còn sức lao động nên vợ chồng anh là trụ cột kinh tế gia đình. Ít đất, nghề nghiệp không ổn định nên kinh tế khó khăn. Khi cây thanh long bám rễ ở Châu Thành thì gia đình anh Sơn cũng dồn tất cả nguồn lực trồng thanh long ruột trắng. Thời điểm đó, thanh long ruột trắng hiệu quả kinh tế kém nên gia đình anh dự định trồng lại thanh long ruột đỏ. Tiền vốn đầu tư lại cũng không phải là ít. Đang chưa biết tính sao thì anh được chính quyền địa phương xem xét nhận nguồn vốn Hỗ trợ phát triển sản xuất. Số tiền đó giúp gia đình anh có thêm vốn đầu tư cho vườn thanh long. Đến nay, vườn bắt đầu cho mùa trái đầu tiên.
Hơn ai hết, vợ chồng anh Sơn hiểu rõ những khó khăn của gia đình nên luôn nỗ lực làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ngoài chăm sóc vườn thanh long nhỏ, anh Sơn còn có nghề hàn sắt. Tuy nhiên, công việc cũng tùy thuộc vào thị trường nên anh bàn với vợ chăn nuôi thêm. Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Sơn mua bò về nuôi. Đến nay, đàn bò được 5 con, đang trong giai đoạn vỗ béo. Sắp tới đây, khi vườn thanh long bắt đầu cho huê lợi và khi đàn bò có thể xuất chuồng, căn nhà mới sẽ được cất lên thì vợ chồng anh Sơn chắc chắn sẽ thoát nghèo.
Với những giải pháp đồng bộ, tình trạng khó khăn, nghèo khổ của người dân trong tỉnh từng bước được cải thiện. Cuối năm 2015, hộ nghèo tỉnh còn 2,98% (theo chuẩn cũ). Sau khi tiến hành tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh có 15.704 hộ nghèo, chiếm 4,03%. Sau gần 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh giảm được 2,51% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 0,63%, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu bình quân mỗi năm giảm từ 0,3% - 0,5%). Nhờ vậy đưa hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,03% đầu năm 2016 xuống còn 1,52% cuối năm 2019.
Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2016, số hộ tái nghèo gần 1.000 hộ, đến cuối năm 2019 chỉ có 1 hộ tái nghèo, vì bị bệnh nan y. Ngoài ra, nhiều người nghèo không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước; đồng thời luôn có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, nhất là trong giai đoạn có hàng chục người nghèo tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo.
Với những kết quả trên cho thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã thực sự đi vào thực tế, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.
Mỹ Hạnh
TAG: