Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Long An: Nhiều giải pháp giải quyết việc làm trong 6 tháng cuối năm 2024
08:22 AM 30/07/2024
(LĐXH)-Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An đã tư vấn cho 118.824 lao động, qua đó tạo việc làm cho 18.345 lao động.

Trong đó, toàn tỉnh đã đưa được 337 người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó thị trường Nhật Bản là 265 người, thị trường Đài Loan là 28 người, các nước khác là 44 người). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 31.388 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ 2.423 hộ nghèo và cận nghèo đã vay trước đây vươn lên thoát nghèo, tự chủ được nguồn tài chính, hoàn trả được nguồn vốn vay khi tới hạn; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 8.201 lao động (trong đó có 29 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An tổng hợp 385 lượt doanh nghiệp  với tổng số nhu cầu tuyển dụng là 13.395 nhu cầu. Giới thiệu việc làm cho 1.171 lao động có nhu cầu tìm việc thông qua hệ thống phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tìm việc làm đăng ký trực tiếp, trực tuyến và lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Học sinh ở Long An nghe tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Tân Tạo tại Ngày hội việc làm tỉnh năm 2024

Công tác giải quyết việc làm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Người lao động ngày càng chủ động, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, không thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra của Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024.

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác giải quyết việc làm trong 6 tháng qua ở Long An vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Công tác triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn hạn chế; còn tư tưởng trông chờ ỷ lại cấp trên, chưa chủ động đề ra các giải pháp phù hợp, chưa khơi dậy và huy động hết tiềm năng nguồn lực trong cộng đồng gắn với giải quyết việc làm.

Lao động trình độ kỹ thuật, tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; còn tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ có lúc, có nơi còn xảy ra.

Số lao động đi làm việc nước ngoài chưa đạt như kỳ vọng. Số lượng người lao động tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ, nhất là đối tượng thuộc nhóm hỗ trợ đặc thù của tỉnh theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh còn thấp.

Để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm năm 2024, trong 6 tháng cuối năm, Long An đưa ra những giải pháp giải quyết việc làm như sau:

Tổ chức thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức, như: hướng dẫn bằng văn bản, trực tiếp qua điện thoại; tổ chức Hội nghị, Hội thảo đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân, nhất là người lao động, người học nghề về nội dung của Đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến trong các trường THPT, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học để các học sinh, sinh viên tiếp cận thông tin, định hướng lựa chọn nghề nghiệp và đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Tiếp tục triển khai chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ để hỗ trợ lao động tìm việc làm; các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn đi làm việc nước ngoài.

 Đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động thu thập, phân tích, dự báo và thông tin thị trường lao động. Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh trong khu vực để tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thống kê, cập nhật hàng tuần nhu cầu đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng Long An Số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động.

Các địa phương thường xuyên rà soát, nắm nhu cầu lao động chưa có việc làm, có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài để phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thông tin, tư vấn tại địa phương. Tổ chức các lớp đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng tại Trường Cao đẳng Long An; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động có nhu cầu thực hiện hồ sơ thủ tục vay vốn đi làm việc nước ngoài; phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài tìm kiếm, mở rộng thị trường sang một số nước như: Úc, Đức…; kết nối với địa phương của Hàn Quốc tiến hành các thủ tục triển khai Chương trình đưa lao động tỉnh Long An đi làm việc thời vụ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động, việc làm, đưa người lao động đi làm việc nước ngoài./.

Mỹ Hằng

TAG: giải pháp giải quyết việc làm
Tin khác
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo
Đồng Tháp nỗ lực triển khai Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”