Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Lời khuyên cho người nhiễm HIV khi tham gia BHYT
01:39 PM 31/05/2016
Với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc kháng virus ARV là liên tục và suốt đời. Trong thời gian tới, do không còn thuốc viện trợ cấp miễn phí, vì vậy Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám và điều trị bệnh.

 

Việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không làm thay đổi quy định này - Ảnh minh họa

Mọi người đều cần tham gia BHYT

BHYT luôn là một trong những giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới. BHYT giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… phải điều trị.

Chi phí cho việc điều trị một số bệnh có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh và trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Với lộ trình dịch vụ y tế tiến dần tới tính đúng, tính đủ thì chắc chắn chi trả viện phí khám và chữa bệnh sẽ còn lớn hơn.

Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả. Các chuyên gia ước tính một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ BHYT phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội… Chưa kể các chi phí khám chữa bệnh khác vì ai cũng có thể ốm đau và bệnh tật.  

Người nhiễm HIV nên khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện

Theo quy định người dân nói chung và người nhiễm HIV, có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đầu tại trạm y tế xã, trạm y tế  quân dân y hay Trung tâm Y tế huyện có khám chữa bệnh, phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện… Tuy nhiên, người nhiễm HIV nên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện huyện có khám và điều trị HIV/AIDS (có điều trị bằng ARV).

Việc này sẽ mang lại những lợi ích sau: Điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời, do vậy người nhiễm HIV sẽ dễ dàng đến các cơ sở y tế này để khám và điều trị HIV/AIDS; Thuận tiện hơn, không cần phải giấy chuyển tuyến. Mặc dù, người nhiễm HIV vẫn có thể đăng ký điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS tuyến trên nhưng nếu không đúng tuyến thì mỗi năm vẫn cần giấy giới thiệu chuyển tuyến một lần; Kết hợp để khám và điều trị các bệnh khác. Bệnh viện đa khoa huyện có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh phổ biến, do vậy người nhiễm HIV có thể kết hợp khi khám chữa các bệnh khác.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn: Trường hợp có nhu cầu, người tham gia bảo hiểm nhiễm HIV được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Như vậy rất thuận lợi cho người nhiễm HIV. Việc thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu theo quy định của Luật BHYT cũng có thể được thực hiện vào đầu mỗi quý.

Thuốc ARV do BHYT cấp hay thuốc viện trợ là giống nhau

Nhiều người lo lắng và cho rằng thuốc do BHYT mua sẽ là thuốc rẻ hoặc không tốt bằng các nguồn thuốc ARV khác hay thuốc viện trợ. Điều này không đúng vì thuốc ARV dù nguồn viện trợ hay do nguồn BHYT chi trả cũng đều là do Bộ Y tế mua và điều phối. Do vậy thuốc sẽ  là giống nhau. Có chăng sự khác nhau chỉ là BHYT hay các tổ chức quốc tế chi trả tiền mua thuốc này thôi.

Người tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT không ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân hoặc gia tăng kỳ thị phân biệt đối xử. Vì bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật khám chữa bệnh và các quy định pháp luật khác.

Việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không làm thay đổi quy định này. Chỉ có người nhiễm HIV và thày thuốc mới biết được tình trạng nhiễm HIV, do vậy không ảnh hưởng đến lộ thông tin cá nhân hay tình trạng nhiễm HIV của một bệnh nhân.

Khám chữa bệnh bằng BHYT cũng không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử. Khi người nhiễm HIV đến khám tại các phòng khám bệnh sẽ hòa chung và quy trình khám chữa bệnh chung của phòng khám như mọi bệnh nhân khác, không ai biết được một người nhiễm HIV dựa trên quy trình chung này. Do vậy không thể làm gia tăng việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV mà chính là giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, coi HIV như một bệnh truyền nhiễm khác, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.

Lao động ngoại tỉnh có thể tham gia BHYT

Nhiều người nhiễm HIV đi lao động làm ăn xa nhà nên cho rằng không tham gia BHYT được. Tuy nhiên, họ hoàn toàn vẫn có thể tham gia BHYT được với các lựa chọn sau: Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đang tạm trú để lao động và có thể tham gia BHYT bình thường theo Luật bảo hiểm y tế hiện hành; Tham gia bảo hiểm y tế tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú và theo quy định hiện nay đã thông tuyến khám chữa bệnh đến tuyến huyện.  Do vậy, người nhiễm HIV vẫn có thể sử dụng thẻ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi lao động tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ BHYT hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương.

Hữu Thủy/Tiếng chuông

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24