An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lời giải nào cho bài toán việc làm, sinh kế cho người cao tuổi?
10:14 AM 11/11/2020
Bài 2: Những rào cản trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người cao tuổi


(LĐXH) Số lượng người cao tuổi (NCT) ngày càng tăng nhanh cùng với những rào cản liên quan đến quan niệm về việc làm đối với NCT, những hạn chế về trình độ, sức khỏe, nữ hóa dân số cao tuổi và nhiều bất cập trong chính sách việc làm với NCT… dẫn tới tình trạng nhiều NCT không được tiếp cận được với các chương trình việc làm, đảm bảo sinh kế có chất lượng.





Đảm bảo sinh kế cho NCT đang là một vấn đề xã hội dành được nhiều sự quan tâm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững đối với NCT là góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và chất lượng sống cho NCT hiện nay. Có khoảng hơn 1/3 NCT nước ta hiện đang tham gia vào thị trường lao động và có nhu cầu tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không hề đơn giản đối với NCT. Họ đang gặp phải rất nhiều những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập.
Có đến hơn 65% người cao tuổi tự đánh giá tình hình sức khỏe của mình là yếu và rất yếu. 
Những rào cản về tình trạng già hóa, trình độ, sức khỏe người cao tuổi
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công Đoàn, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng NCT trong những năm gần đây là một trong những thách thức lớn trong việc đảm bảo sinh kế cho người lao động cao tuổi. Sự gia tăng về số lượng vừa khiến cho nhu cầu việc làm của NCT tăng cao, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh trong chính những NCT với nhau trên thị trường việc làm cho NCT vốn đã ít ỏi do phải cạnh tranh với lực lượng lao động trẻ ngày càng gia tăng. Với một lực lượng NCT ngày càng đông đảo, bài toán việc làm là một thách thức lớn trong công tác tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập cho NCT.
Lực lượng lao động cao tuổi nước ta đã và đang tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam vẫn luôn tồn tại quan niệm cho rằng “ốm tha, già thải”, tức là những NCT là những người đã hết độ tuổi lao động, cần phải nhường lại thị trường lao động cho những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động. Sau khi nghỉ hưu, NCT cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu. Khi những người già tham gia lao động sẽ bị cho là do con cái không chăm sóc hoặc bị buộc phải làm việc để kiếm tiền cho gia đình. Có thể thấy, xã hội Việt Nam đang đặt lên vai mình gánh nặng về an sinh xã hội đối với NCT trong khi bắt NCT phải nghỉ hưu và không cho họ cơ hội đóng góp trí tuệ, kỹ năng trong các lĩnh vực. Chính những quan niệm của người dân và xã hội là thách thức trong tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho NCT hiện nay.
Đối với lao động Việt Nam nói chung, NCT nói riêng thì trình độ là một trong những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm và là thách thức lớn trong quá trình đảm bảo sinh kế. Theo kết quả khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam năm 2018 của Tổng cục Thống kê, có đến 77,7% NCT chưa đạt đến trình độ trung học phổ thông, trong đó, có đến 9,8% NCT chưa bao giờ đến trường. Chiếm tỷ lệ cao nhất với 26,1% không có bằng cấp tức là chưa học hết cấp tiểu học. Chỉ có hơn 10% NCT hiện nay có trình độ sau phổ thông. Trong đó, 4,0% có trình độ trung học chuyên nghiệp, 6,2% có trình độ cao đẳng, đại học và 0,5% có trình độ sau đại học. Những NCT được đào tạo nghề cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chỉ có 1,8% NCT được đào tạo và có trình độ sơ cấp nghề, 2,1% NCT có trình độ trung cấp nghề và 0,1% NCT có trình độ cao đẳng nghề.
Tạo sinh kế cho người cao tuổi đã khó, tạo sinh kế cho người cao tuổi là phụ nữ
còn khó hơn rất nhiều trong bối cảnh hiện nay.
Những NCT là những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị đô hộ và có chiến tranh, kinh tế - xã hội đất nước còn muôn vàn khó khăn nên cơ hội được tham gia học hành rất hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ lao động trẻ có trình độ và tay nghề ngày càng gia tăng. Để NCT có thể cạnh tranh được với đội ngũ trẻ này là điều không hề đơn giản và trình độ thấp là một trong những thách thức lớn trong công tác tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập cho NCT hiện nay.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà NCT phải đối diện đó là vấn đề về sức khỏe. Khi con người già đi đồng nghĩa với việc khả năng cơ bản bao gồm khả năng thể lực và trí óc có xu hướng giảm sút. Thay vào đó là tình trạng bệnh tật thường là mạn tính và phức tạp, tình trạng đa bệnh tật (có nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc) tăng lên cùng với tuổi. Bệnh tật tăng lên, sức khỏe giảm đi kéo theo sự suy giảm về khả năng lao động của NCT. Kết quả một cuộc Điều tra quốc gia về NCT Việt Nam của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, có đến 65,4% NCT tự đánh giá tình hình sức khỏe của mình là yếu và rất yếu, chỉ có 29,8% tự đánh giá sức khỏe của mình bình thường và chỉ 4,8% cho rằng sức khỏe của mình tốt và rất tốt.
Những cố gắng to lớn của Chính phủ và người dân đã cải thiện toàn diện trong chăm sóc sức khỏe NCT, giúp cho họ có cuộc sống khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Chính vì thế, tỉ lệ nhóm NCT già nhất từ 80 tuổi trở lên (80+) cũng tăng lên trong cơ cấu NCT. Từ sau năm 2020, nhóm NCT già nhất được dự báo sẽ bắt đầu tăng lại và dự kiến đến năm 2049 sẽ chiếm 16% tổng số NCT. Khi độ tuổi của NCT tăng lên sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng tham gia vào thị trường lao động. Trên thực tế, già hóa dân số có xu hướng hạ thấp tỷ lệ NCT tham gia lao động và tỷ lệ NCT tham gia lực lượng lao động giảm theo tuổi. Tốc độ gia tăng số lượng NCT và sự tăng lên về độ tuổi của NCT hiện nay là một thách thức lớn trong tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho họ.
Trong báo cáo “Dự báo dân số thế giới 2017” của Tổng cục Thống kê, mức độ nữ hóa trong dân số cao tuổi ở Việt Nam là cao nhất trong khu vực ASEAN. Ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, nữ giới chiếm tỉ lệ nhiều hơn nam giới trong dân số cao tuổi. Tuổi thọ của nữ giới cao hơn so với nam giới, dẫn tới tỷ lệ nữ sống đến tuổi già cao hơn nam giới. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê (2019) cũng cho thấy, năm 2018 nữ giới chiếm 57,3% còn nam giới chỉ chiếm 42,7% trong số những người từ 60 tuổi trở lên.
Phụ nữ cao tuổi dễ bị tổn thương hơn do phải đối mặt với sự phân biệt giới tính lớn hơn, có tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn thấp hơn, có tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cao hơn, đồng thời phụ thuộc nhiều hơn về tài chính. Nữ hóa dân số cao tuổi đặt ra yêu cầu cần có sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ cao tuổi do họ dễ bị tổn thương hơn và khó có cơ hội tiếp cận thị trường lao động để tạo ra thu nhập hơn so với nam giới. Chính vì thế, tạo sinh kế cho NCT đã khó, tạo sinh kế cho NCT là phụ nữ còn khó hơn rất nhiều trong bối cảnh hiện nay.

 

Hạn chế về trình độ là một trong những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm
và  đảm bảo sinh kế của người cao tuổi 
Bất cập trong chính sách việc làm đối với người cao tuổi
Nhận thức được xu hướng già hóa dân số và số lượng NCT ngày càng tăng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng, ban hành các chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý đối với các hoạt động liên quan đến NCT. Năm 2000 Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh NCT. Đến năm 2010, Pháp lệnh NCT đã được thay thế bằng Luật người cao tuổi  nhằm bảo đảm quyền lợi của NCT và quy định trách nhiệm của Nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với NCT. Luật NCT quy định Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để NCT phát huy trí tuệ kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động, trong đó có hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; tư vấn chuyên môn, kỹ thuật; Phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.
Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam 2012-2020 với mục tiêu tăng cường vai trò của NCT và nâng cao chất lượng chăm sóc đối với NCT,  Hiến pháp (2013) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: “Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng cho công dân hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội và có chính sách hỗ trợ NCT, người khuyết tật, người nghèo và những người trong hoàn cảnh khó khăn”.
So với những lao động trẻ thì kỹ năng và kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý giá, nhưng vấn đề là họ sẽ tìm việc ở đâu và Nhà nước có cơ chế nào để giúp cho NCT tìm kiếm việc làm? Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến NCT nhưng ở nước ta hiện nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nhằm tạo việc làm cho NCT. Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở  khắp các tỉnh, thành phố nhưng những trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho NCT lại chưa có.
Để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Phần lớn NCT tìm được việc là do mối quan hệ quen biết hoặc do người thân giới thiệu, chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này. Việc thiếu các thông tin tuyển dụng, thiếu các thông tin về việc làm cũng như thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho NCT là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho NCT.
Bên cạnh đó, các chính sách của nước ta cũng chưa có các quy định cụ thể hay các chương trình khuyến khích, cho phép NCT tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu như giờ làm việc linh động hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. NCT thường làm việc trong khu vực phi chính thức, các công việc lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương (UNFA, 2016). Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của NCT, đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội tạo việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho NCT.
(Còn nữa)

Thảo Lan


 

 

 

TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện