An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lời giải nào cho bài toán việc làm, sinh kế cho người cao tuổi?
08:14 AM 10/11/2020
Bài 1: Việc làm cho người cao tuổi – Nhu cầu chính đáng và cấp thiết


(LĐXH) Vấn đề sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi (NCT), đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Già hóa dân số và vấn đề việc làm của người cao tuổi
Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 NCT, chiếm  khoảng 12,7%  dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7% năm 2019 với  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số NCT).
Trong điều kiện vừa thoát khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, thực trạng già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức lớn không chỉ liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe NCT mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế -  xã hội nói chung của đất nước.
Nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe mong muốn tiếp tục được làm việc
Theo số liệu thống kê, nguồn sống của NCT Việt Nam khá đa dạng: từ lao động của chính bản thân NCT (30%), lương hưu trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp (39,3%). Tại khu vực thành thị, lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% NCT, trong khi chỉ có 21,9% NCT ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp và có tới 35,2% NCT ở nông thôn phải tự lao động để kiếm sống; tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 17,5%.
NCT thành thị có lương hưu/trợ cấp và tích lũy cao hơn 1,5 lần so với NCT nông thôn, ngược lại nguồn sống của NCT nông thôn từ lao động của chính mình cao hơn gấp 2 lần NCT thành thị. Nhiều NCT phải sống vào nguồn tài chính do con cháu trợ cấp (chiếm 40,1% ở thành thị và 38,9% ở nông thôn). Độ tuổi càng cao thì sự lệ thuộc vào chu cấp của con cháu càng lớn, tỷ lệ này tăng từ 26,3% (nhóm 60-69 tuổi) lên 46,6% (nhóm 70-79 tuổi) và 66,7% (nhóm từ 80 tuổi trở lên). Như vậy, phần lớn NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Theo kết quả một thống kê, năm 2016, có 5,72%  NCT sống ở mức nghèo đói nghiêm trọng, tức là dưới một nửa thu nhập chuẩn nghèo và 35,91% NCT sống ở mức nghèo. Chính vì thế, có những lao động cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống.
Vừa qua, tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của NCT lại càng khó khăn hơn, nhiều NCT bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.
Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là số NCT ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, với qui định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Họ cũng mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ, vừa để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng
Để NCT tiếp tục đóng góp cho gia đình, xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT thì một việc rất quan trọng khác là cần tạo điều kiện cho NCT lao động trong khả năng, để một mặt giúp họ tạo ra thu nhập cho bản thân, mặt khác, góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Nhất là khi tham gia vào thị trường lao động, NCT có một vị trí đặc biệt; họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn; đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn...
Tóm lại, khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động cao tuổi là rất cần thiết.
“Tuổi cao – Gương sáng” -  Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến
Người cao tuổi là lớp người có nhiều cống hiến, trưởng thành trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, là nguồn lực quý, là những “thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất kinh doanh. NCT luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, nhiều NCT đã tích cực tham gia phát triển kinh tế thành công là những điển hình tiên tiến cần được phát triển, nhân rộng trong xã hội.
Điểm nổi bật của những NCT làm kinh tế giỏi là sự thể hiện mãnh liệt ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết. Đa số NCT từ nghèo khó vươn lên, có người từ bần hàn, gian khổ, tay trần chân đất, không cam chịu đói nghèo. NCT làm giàu không giới hạn về tuổi tác, có bác trên 80 tuổi, trên 90 tuổi còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến, tìm cách khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, gia đình, bản thân để phát triển kinh tế, đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực công nghiệp, nông – lâm - ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ... phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức và khả năng quản lý điều hành. Nhiều NCT đã trở thành những tỷ phú, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động xã hội. Năm năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi do Hội NCT Việt Nam phát động đã được đông đảo NCT hưởng ứng, phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, thu hút, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền trong cả nước. NCT làm giàu cho gia đình, động viên, hỗ trợ con cháu thực hiện chương trình khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người nghèo ngày càng thiết thực, có hiệu quả.
Tuyên dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Theo thống kê của Hội Cao tuổi, cả nước có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi, trong đó có trên 100 ngàn NCT làm chủ doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Phong trào xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu, xuất sắc, nhiều NCT được phong tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý: Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, Huân, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng, của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các bộ, ban ngành, các địa phương. Có 14 NCT được phong Nghệ nhân Nhân dân, 63 NCT được phong Nghệ nhân Ưu tú.
Có thể kể tới những tấm gương NCT làm kinh tế giỏi tiểu biểu như: Ông Nguyễn Đức Điểm, 70 tuổi, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã vận tải ô tô Tân Phú, kinh doanh vận tải đường bộ và thương mại vật liệu xây dựng (sắt, thép). Doanh số bình quân mỗi năm đạt 2.125 tỷ đồng, doanh số trong 5 năm gần đây đạt 10.625 tỷ đồng, tạo việc làm cho 140 người với mức lương bình quân 6,7 triệu đồng/tháng.
Ông Huỳnh Văn Bé, 68 tuổi, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, là chủ cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến, khởi nghiệp từ năm 1998. Năm 2017 cơ sở của ông sản xuất 1.500 tấn muối sấy; 5 năm gần đây sản xuất trên 4.000 tấn, doanh thu 160 tỷ đồng. Đặc biệt, ông còn cho các hộ nghèo vay vốn, làm từ thiện hơn 3 tỷ đồng. Hằng tháng tặng cho trên 200 người già yếu trong huyện mỗi người 200.000đ/tháng, tặng hàng ngàn suất học bổng và hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo. Ông đã được Thủ tướng tặng 2 Bằng khen, và các cơ quan, ban, ngành tặng nhiều Danh hiệu, Giấy khen, Kỷ niệm chương.
Cần tạo điều kiện cho người cao tuổi lao động trong khả năng của họ
Bà Nguyễn Thị Ánh, 76 tuổi, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản sông Tiền và Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân. Năm 2019, cả hai Công ty xuất khẩu được gần 10 nghìn tấn thành phẩm, đạt doanh thu 430 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của gần 500 công nhân gần 6 triệu/tháng...
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã góp phần làm thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ một ngành, một nghề sang đa ngành, đa nghề; sử dụng hợp lý lao động tại gia đình và cộng đồng, huy động đông đảo lực lượng lao động xã hội. Những tấm gương NCT làm kinh tế giỏi đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, lưu giữ trao truyền nghề truyền thống, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao vai trò, vị thế của NCT Việt Nam.
NCT có những ưu thế riêng trong lĩnh vực làm kinh tế: Từng trải, giàu kinh nghiệm; một số được đào tạo cơ bản, biết hoạch định kế hoạch để tổ chức và chỉ đạo các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống gia đình; trao truyền cơ nghiệp, vốn, kiến thức, kinh nghiệm, nghề nghiệp, kỹ năng… cho con cháu. Đây là ưu thế đặc thù của NCT, phát huy tốt vai trò của NCT chính là phát huy những lợi thế mà NCT có được để tạo nguồn lực cho các thế hệ mai sau.
(Còn nữa)
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...
Lai Châu: Nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà trong dịp Trung thu cho trẻ em
'Quốc hội trẻ em' kỳ họp lần thứ 2 chính thức khai mạc
Huyện Tây Giang (Quảng Nam): Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo
Cao Bằng: Đột phá trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được quan tâm, tạo điều kiện vui chơi an toàn, lành mạnh trong dịp Tết Trung thu 2024
Huyện Yên Dũng khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”