An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Lĩnh vực dệt may, da giày xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất trong năm 2021
09:47 AM 29/03/2022
(LĐXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo đến các ngành, các địa phương tình hình tai nạn lao động năm 2021 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2022.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.658 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, có 749 vụ TNLĐ chết người làm 786 người chết, 1.485 người bị thương nặng.
So với năm 2020, tình hình TNLĐ năm 2021 trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động giảm cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người. Cụ thể: Số vụ TNLĐ giảm 1.876 vụ, tương ứng với 22,4%; số người bị nạn giảm 1.952 người, tương ứng với 22,67%; Số vụ TNLĐ chết người giảm 170 vụ tương ứng 18,5%; Số người chết giảm 180 người tương ứng 18,63%; Số người bị thương nặng giảm 412 người tương ứng với 21,71% so với năm 2020.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2021 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Hiện trường vụ rơi Vận thăng chở người và hàng tại Công trình xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An
Một số vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng phải kể đến là: Vụ TNLĐ do rơi Vận thăng chở người và hàng từ tầng 4 xuống đất, xảy ra ngày 02/01/2021 tại Công trình xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, thuộc phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hậu quả làm 11 người bị nạn, trong đó 03 người chết, 08 người bị thương nặng là lao động của Công ty Cổ phần thi công cơ giới và Xây lắp 171 khi đang thực hiện công việc; Vụ TNLĐ nghiêm trọng do bỏng than, xảy ra ngày 22/01/2021, tại Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn, địa chỉ: xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội, hậu quả làm 01 người chết, 03 người bị thương; Vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do than cháy nội sinh, xảy ra ngày 26/01/2021 tại IIK22-IIK25, Lò dọc vỉa than mức -180 mét thuộc khai trường khai thác than của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương, thuộc địa phận khu dân cư Trại Nẻ, phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hậu quả làm 04 người chết, 04 người bị thương là người lao động của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương…
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người: Lĩnh vực dệt may, da giày  chiếm 14,16% tổng số vụ TNLĐ và 13,68% tổng số người chết; Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% tổng số vụ TNLĐ và 12,82% tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,61% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết; Lĩnh vực xây dựng chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết; Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,98% tổng số người chết; Lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,298% tổng số người chết.
Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người: Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 40,69% tổng số vụ TNLĐ và 41,87% tổng số người chết. Nguyên nhân do người lao động chiếm 9,73% tổng số số vụ TNLĐ và 9,4% tổng số người chết. Còn lại 49,58% tổng số vụ TNLĐ với 48,73% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Để thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu TNLĐ trong thời gian tới,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản... Bên cạnh đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ…/.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương