Lấp “khoảng trống” trong chính sách, pháp luật về bạo lực trên cơ sở giới
(LĐXH)- Hiện vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về bạo lực trên cơ sở giới; thiếu cách tiếp cận toàn diện, tổng thể đối với bạo lực trên cơ sở giới; các cơ quan khó trực tiếp xử lý một số hành vi, phải áp dụng các quy định khác của pháp luật hình sự, hành chính…
Ngày 13/12/2022 tại TP Hạ Long, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức cuộc họp định kỳ mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tham dự cuộc họp có khoảng 40 thành viên của mạng lưới; đại diện Sở LĐTB&XH Quảng Ninh, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa.Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các thành viên mạng lưới đã cập nhật thông tin hoạt động trong thời gian qua; trao đổi của các thành viên về vai trò của các Bộ, ban ngành trong việc xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành trong việc hỗ trợ dịch vụ cho người bị bạo lực; chia sẻ về các đề xuất chính sách liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới trong xây dựng Luật Bình đẳng giới sửa đổi.
Các thành viên cũng đi tham quan thực tế mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh cũng như học tập kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng và trên khai mô hình này.
Tại cuộc họp, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những thách thức không nhỏ đối với mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là hiện nay, nhiều nạn nhân đã tin tưởng, dám lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ tư vấn trong khi xảy ra các sự việc, vụ việc bạo lực trên cơ sở giới thay vì chỉ biết im lặng.
Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho biết thêm, các tổ chức, cá nhân, đối tác đã và đang tích cực chung tay phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Thành viên mạng lưới được bổ sung, thể hiện sự cam kết của các bên cùng chia sẻ, hành động.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bạo lực với phụ nữ, nạn buôn bán người vẫn diễn biết phức tạp. Do đó, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó. Phụ nữ cần phải lên tiếng, không được giấu giếm khi mình trở thành nạn nhân của bạo lực giới, đây là rào cản mà phụ nữ cần phải vượt qua.Các thành viên thăm Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh
Luật sư Bích Hạnh – đoàn luật sư Hà Nội cũng thừa nhận cần thay đổi cách tiếp cận nạn nhân và trang bị kỹ năng ứng phó ban đầu cho người thực thi; cũng như thay đổi tư duy của cộng đồng khi đổ lỗi nguyên nhân của bạo lực cho phụ nữ.
Ông Nguyễn Đức Lam, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử - Văn phòng Quốc hội cũng chia sẻ về các đề xuất chính sách liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới trong xây dựng Luật Bình đẳng giới sửa đổi.
Ông nhấn mạnh vẫn còn khoảng trống trong chính sách, pháp luật về lĩnh vực này như chưa có khái niệm rõ ràng về bạo lực trên cơ sở giới; thiếu cách tiếp cận toàn diện, tổng thể đối với bạo lực trên cơ sở giới; các cơ quan khó trực tiếp xử lý một số hành vi, phải áp dụng các quy định khác của pháp luật hình sự, hành chính…Ông Nguyễn Đức Lam trình bày tại cuộc họp
Trong khuyến nghị, ông Nguyễn Đức Lam cho rằng cần làm rõ khái niệm bạo lực trên cơ sở giới; cần có cơ chế tiếp nhận, trình báo, chuyển gửi thông tin về bạo lực giới; có cơ chế phòng ngừa cũng như bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; xử lý đối tượng vi phạm.
Bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới chia sẻ, bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới và là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất.
Bạo lực trên cơ sở giới xảy ra phổ biến từ trong gia đình, tới nơi làm việc, trường học, không gian công cộng dưới nhiều hình thức khác nhau mà nguyên nhân gốc rễ là do sự phân biệt đối xử về giới.
Theo thống kê, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo hành trong cuộc đời. Trong bối cảnh khủng hoảng do xung đột, thảm họa thiên tai hay dịch bệnh, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có nguy cơ gia tăng nhiều hơn.
Việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành cũng như tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị.
Người bị bạo lực cần phải được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh.
Được biết, mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ra mắt vào tháng 12/2021.
Mạng lưới được thành lập nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các Bộ, cơ quan của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các luật sư, chuyên gia, nhà báo… hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới.
Đồng thời, huy động và kết nối các sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới./.
Hồng Hà
TAG: