Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Lao động về từ những vùng dịch Covid-19 sẽ phải cách ly tập trung
11:24 PM 29/02/2020
(LĐXHH)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH) vừa có công văn yêu cầu không đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở các nước có dịch bệnh. Lao động về từ những vùng dịch thì phải cách ly tập trung theo đúng quy định của Bộ Y tế Việt Nam.
Theo đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo số lượng lao động đang làm việc tại địa bàn các thị trường, lao động phục vụ trên các tàu quốc tế, thuyền viên tàu vận tải, thuyền viên tàu cá, đặc biệt số lao động có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Báo cáo của doanh nghiệp gửi về Cục trước ngày 3/03/2020.
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết: Trước tình hình và diễn biến của dịch Covid-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình người lao động do doanh nghiệp phái cử sang làm việc tác các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đã có người nhiễm Covid-19, để theo dõi được sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp có người lao động nghi nhiễm hoặc bị nhiễm thì phải phối hợp với cơ quan chức năng cho lao động khám sức khỏe và điều trị theo phác đồ y tế của nước sở tại. May mắn là cho đến thời điểm hiện nay, chưa có trường hợp người lao động nào của Việt Nam ở nước ngoài bị nhiễm Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Văn Thanh kiểm tra khu cách ly lao động của doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 như: Thiết lập các kênh thông tin, đầu mối liên lạc với người lao động do doanh nghiệp đưa đi, thường xuyên trao đổi nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động để xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh Covid-19; Tuyên truyền, khuyến cáo người lao động chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy địch của các nước, vùng lãnh thổ trong trường hợp bị nhiễm, nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng có dịch khác. Đồng thời, tăng cường các hình thức, biện pháp truyền thông, cung cấp các thông tin về các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh Covid-19; Tuyền truyền, động viên người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các khu vực có dịch hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, chủ động, thường xuyên trao đổi với các đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh trong trường hợp nghi nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh Covid-19 và thực hiện các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định của sở tại trong thời gian nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đối với lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng và những trường hợp khác: Khuyến cáo người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế; Doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án hỗ trợ người lao động trong trường hợp người lao động có nguyện vọng về nước, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh và hướng dẫn của chính quyền sở tại.
Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam trình bày một số phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động
Ông Tống Hải Nam, cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước cho biết thêm: Đối với những lao động hết hạn hợp đồng về nước thì chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu, chỉ đạo các doanh nghiệp phải phối hợp với phía đối tác mua vé máy bay cho người lao động và không transit tại những vùng hoặc những địa phương đang có dịch Covid-19 để hạn chế khả năng nguy cơ lây nhiễm của người lao động. Còn khi về Việt Nam thì tùy theo người lao động về từ khu vực nào, quốc gia nào để có những biện pháp nhất định. Những người lao động về từ những vùng dịch thì phải cách ly tập trung theo đúng quy định của Bộ Y tế Việt Nam.
Được biết, riêng tại Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian dịch Covid-19 gia tăng mạnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Việc làm Lao động, Bộ Thủy sản Hải dương Hàn Quốc cho phép người lao động nước ngoài theo chương trình EPS (visa E-9) và thuyền viên nước ngoài (visa E-10) nếu hết hạn hợp đồng (4 năm 10 tháng) được tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp thêm tối đa 50 ngày. Việc lựa chọn đối tượng được phép ở lại theo chính sách này sẽ do Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Thủy sản Hải dương thực hiện và thông báo cho Bộ Tư pháp. Người lao động được lựa chọn sẽ không cần phải đến các Văn phòng quản lý Xuất nhập cảnh tại các địa phương để xin gia hạn. Người lao động thuộc đối tượng nêu trên có thể liên hệ với các Trung tâm tuyển dụng và Sở Thủy sản tại địa phương để được thông tin chi tiết.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có tổng cộng 26.787 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thành phố Daegu (8.285 người) và Gyeongbuk (18.502 người); trong đó số lao động Việt Nam đang làm việc tại Daegu là 1.000 người và tại Gyeongbuk là 3.007 người. Hiện chưa có người lao động Việt Nam nào bị nhiễm Covid-19; người lao động Việt Nam tại Daegu và Gyeongbuk vẫn đi làm bình thường. Trong trường hợp nhà máy tạm thời đóng cửa do phát hiện có người bị lây nhiễm Covid-19, người lao động sẽ được thông báo tạm nghỉ làm.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật