Lạng Sơn: Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giúp người dân nhận biết và phòng tránh tai nạn bom mìn
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cho nhân dân đặc biệt là các em học sinh, để tránh xảy ra các vụ tai nạn bom mìn, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện còn khoảng hơn 38 nghìn ha diện tích đất ô nhiễm bom mìn. Từ năm 1991 đến nay, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn 4 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn khiến một số nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, qua đó, những nạn nhân này gặp nhiều khó khăn trong việc tìm sinh kế. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh cho nhân dân đặc biệt là các em học sinh.
Năm 2022, các sở, ban ngành của tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn năm 2022 tại Lạng Sơn diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2022 với nhiều hình phong phú như: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở và đăng tải video clip trên các màn hình công cộng trên phạm vị toàn tỉnh, chiếu phim lưu động, phát thông tin truyền thông trên loa phát thanh của thôn bản trên các huyện biên giới (Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập) và tổ chức cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn các huyện nói trên.
“Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại”
Sau một tháng triển khai, đã có hơn 50 loạt tin, bài được đăng tải trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí địa phương, trong đó Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức hơn 20 lượt tuyên truyền với sự tham gia của hơn 1.200 cán bộ chiến sỹ. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã cử cán bộ xuống tận thôn bản của 20 xã, 01 thị trấn của 5 huyện biên giới (Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập) với hình thức chiếu phim và thông tin truyền thông trên loa phát thanh của thôn bản thu hút hơn 3.000 lượt người tham gia. Song song với các hoạt động tuyên truyền, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” tại 16 trường THCS trên địa bàn 05 huyện biên giới Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập (khu vực ô nhiễm bom mìn nặng) thu hút hơn 1.365 học sinh tham gia với 1.365 tác phẩm dự thi.
Tháng 6/2023, Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã phối hợp cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc tổ chức Chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn và trao xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại địa bàn huyện Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc.
Tại chương trình, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức tuyên truyền về những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và các em học sinh trên địa bàn. Với cách thức tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và những câu hỏi giao lưu để các em chủ động tham gia và có nhận thức tốt hơn đối với hậu quả bom mìn nhằm giúp người dân và các em học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng đã trao tặng cho 40 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn (huyện Lộc Bình 10 nạn nhân, huyện Đình Lập 15 nạn nhân và huyện Cao Lộc 15 nạn nhân) số tiền 303 triệu đồng. Đây là những nạn nhân khuyết tật do bom mìn có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nội dung hỗ trợ cũng được xem xét căn cứ trên nhu cầu và khả năng của các gia đình, tập trung vào hỗ trợ công cụ lao động, sản xuất, hỗ trợ chăn nuôi gà, vịt, lợn, trâu bò… qua đó giúp các nạn nhân một cách thiết thực để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng tổ chức trao tặng 20 chiếc xe đạp cho 20 học sinh nghèo vượt khó của huyện Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc (mỗi em được trao 1 xe đạp và 500 nghìn đồng).
Trong thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức sâu rộng về phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả để tạo sự đồng thuận cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác này; gắn việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, quan tâm rà soát chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn; thực hiện lồng ghép, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ công tác phòng tránh tai nạn bom mìn, khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh gắn với tạo sinh kế cho người dân để ổn định và đảm bảo đời sống…/.
Nguyễn Hiền