Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
04:35 PM 25/11/2024
(LĐXH) - Triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, qua đó giúp người dân, nhất là hộ nghèo có việc làm, ổn định cuộc sống.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Phiên giao dịch việc làm theo cụm xã trên địa bàn huyện Văn Quan năm 2024
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu chung của chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Dự án 4 có 3 tiểu dự án gồm: Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững. Trong đó, mục tiêu chung đối với Dự án 4 là tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ để người dân có việc làm bền vững.
Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Phiên giao dịch việc làm
huyện Cao Lộc
Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Tiểu dự án 1. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được phân bổ kinh phí 1,66 tỷ đồng (ngân sách trung ương 1,61 tỷ đồng, ngân sách địa phương 49 triệu đồng), đã tiến hành xây dựng kế hoạch, dự toán các nội dung dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; ký kết hợp đồng trách nhiệm với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tư vấn, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên với tổng số tiền 160 triệu đồng; thực hiện 02 phóng sự tuyên truyền nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trên Đài Phát thanh và Truyền hình.
Đối với cấp huyện, nguồn kinh phí giao cho các huyện, thành phố, có 03 huyện là Thành phố Lạng Sơn, Lộc Bình, Tràng Định không triển khai mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được do số đối tượng còn rất ít hoặc trùng đối tượng với Chương trình MTQG khác đã đề xuất điều chỉnh giảm để chuyển ngân sách điều hoà vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15. Các huyện còn lại đã giao cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp dự kiến thực hiện 31 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tính đến tháng 6/2024 đã mở được 10 lớp tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia và Văn Lãng. Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2024.
Tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm, thị trường lao động trong và ngoài nước
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng tập trung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2024, kinh phí phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 1,65 tỷ đồng, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển là 7,083 tỷ đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành gói thầu số 03 mua sắm, lắp đặt thiết bị, hiện đang thực hiện gói thầu số 07. Kiểm thử độc lập đối với gói thầu số 4. Xây dựng phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu. Khối lượng ước đạt 90% so với tổng mức đầu tư được duyệt. Uớc giải ngân 6 tháng đầu năm là 7,083 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao, luỹ kế giải ngân đến hết tháng 6 năm 2024 là 11,6 tỷ  đồng, đạt 100% tổng mức đầu tư được duyệt.

Bên cạnh đó, căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch thực hiện thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024; ước thực hiện năm 2024 đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trung tâm Dịch vụ việc làm (đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm theo cụm xã, 01 ngày hội việc làm, với nội dung: tư vấn về việc làm, học nghề, pháp luật lao động; tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thu thập, phân tích dự báo thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; phát sổ tay nghiệp vụ về việc làm, thị trường lao động trong và ngoài nước cho các tổ chức đoàn thể và người lao động; tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định và thực hiện hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030./.

Hồng Phượng

 

 
TAG:
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động