Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Lạng Sơn nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình
06:32 PM 26/06/2024
(LĐXH)-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Dân số trung bình sơ bộ năm 2023 toàn tỉnh có 807,3 nghìn người, tăng 0,65% so với năm 2022. Số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện nay là 196.087 hộ.
Theo thống kê, năm 2023, toàn tỉnh Lạng Sơn có 223 người sử dụng lao động giúp việc gia đìnhh, 334 lao động giúp việc gia đình. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 210 người sử dụng lao động giúp việc và 258 lao động giúp việc gia đình.
Lao động giúp việc ở Lạng Sơn chủ yếu làm lái xe cho gia đình, trông trẻ em, chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh, quản gia, làm vườn. 
Ảnh minh hoạ
Trên cơ sở các quy định của Bộ Luật lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, hàng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch lồng ghép chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động tại địa phương.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc phối hợp với các đơn vị tại địa phương chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về người lao động giúp việc gia đình trên địa bàn; đôn đốc UBND cấp xã tổng hợp báo cáo kết quả tình hình sử dụng lao động giúp việc trên địa bàn theo quy định.

Hiện nay, cấp Sở có Phòng Lao động việc làm - BHXH, phân công 01 cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện lĩnh vực việc làm chung trong đó có nhiệm vụ theo dõi công tác quản lý nhà nước đối với lao động giúp việc gia đình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 11/11 Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc cấp huyện đều bố trí 01 cán bộ trực tiếp thực hiện lĩnh vực lao động, việc làm, trong đó bao gồm cả theo dõi, quản lý việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình tại địa phương.

Hằng năm, cấp tỉnh và cơ sở chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội các đơn vị trên địa bàn tổ chức thực hiện tuyên truyền nội dung các văn bản pháp luật: Bộ luật lao động năm 2019; Luật Việc làm, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ...; tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với những người sử dụng lao động thuê người giúp việc gia đình phải hiểu biết để tuân thủ theo pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động.

Kết quả, từ năm 2021 đến nay đã có 76.920 lượt người lao động và 3.500 lượt người sử dụng lao động trong gia đình được tuyên truyền về pháp luật lao động, qua đó nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về xây dựng quan hệ lao động được nâng lên, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động  ngày càng được chú trọng; Cấp phát 60.000 tờ rơi tuyên truyền về pháp luật lao động, 3.000 quyển tài liệu bộ câu hỏi đáp tình huống pháp luật về Bộ luật lao động. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các đơn vị… nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác lao động, việc làm. Qua đó từng bước xây dựng mối quan hệ hài hòa, bình đẳng trong giao kết hợp đồng lao động giữa người lao động, người sử dụng lao động.

Về các hoạt động hỗ trợ như tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối thông tin việc làm với các công ty tuyển dụng lao động giúp việc gia đình, dựa theo chức năng, nhiệm vụ và theo nhu cầu đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm từ người lao động và người sử dụng lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm chủ động thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, chủ sử dụng nắm bắt thông tin như trang panpages, zalo, facebook, các bản tin việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động; trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối người lao động, trong đó có lao động giúp việc gia đình với người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng.

Tại Lạng Sơn, hiện nay đa số nhu cầu của sử dụng lao động giúp việc gia đình xuất phát từ nhu cầu mang tính chất thời vụ hoặc nhờ bà con họ hàng xa ở quê giúp đỡ. Việc hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động giúp việc được thực hiện giao kết bằng lời nói, bằng sự thỏa thuận giữa 2 bên; người sử dụng lao động không thực hiện thông báo với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động giúp việc gia đình. Do vậy cơ quan quản lý nhà nước khó nắm bắt được việc sử dụng và chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình.
Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật (ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động, giao việc ngoài hợp đồng, giữ giấy tờ tuỳ thân của người lao động) xảy ra giữa chủ sử dụng lao động và người giúp việc gia đình.
Theo thống kê, mức lương của người giúp việc gia đình dựa trên thỏa thuận giữa người giúp việc và người sử dụng lao động theo nhu cầu của thị trường, trung bình mức lương mà đa số các chủ sử dụng (hộ gia đình) đang áp dụng trả cho người giúp việc gia đình từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/tháng.
Người lao động giúp việc gia đình hầu hết đều sống tại hộ gia đình người sử dụng lao động, các chi phí sinh hoạt hàng ngày đều do người sử dụng lao động chi trả, do vậy hầu như không có các khoản tiền thưởng riêng cho người lao động giúp việc gia đình, trừ những dịp Lễ tết truyền thống, người lao động được người chủ sử dụng lao động thưởng thêm từ 1 triệu đến 2 triệu để người lao động về quê ăn tết.
Lao động giúp việc gia đình đa số xuất thân từ người lao động tự do sinh sống ở khu vực nông thôn, đều có độ tuổi lao động trung bình từ 40 đến 50 tuổi, rất ít người trong số họ có BHXH, BHYT. Khi đi làm giúp việc gia đình, tiền lương cơ bản được chủ sử dụng lao động thỏa thuận trả ở một mức nhất định và hầu hết chưa được chi trả thêm một phần tiền vào lương hàng tháng để người lao động tự tham gia BHXH, BHYT. Người lao động cũng được nghỉ trong tháng và nghỉ dịp lễ, tết theo quy định giữa 2 bên hoặc trong trường hợp người lao động có công việc gia đình cần nghỉ để giải quyết, phần lớn cũng được người sử dụng lao động giải quyết theo nguyện vọng.

Nhìn chung, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm phối hợp thực hiện các quy định pháp luật về lao động nói chung và lao động giúp việc gia đình nói riêng; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tìm được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp. Công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức viên chức, người sử dụng lao động được tiến hành thường xuyên, từ đó có sự thay đổi nhận thức, có cách nhìn đúng hơn về lao động giúp việc gia đình. Giúp việc gia đình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nhất là lao động nông thôn, giúp họ tăng thu nhập ổn định cho gia đình và cải thiện cuộc sống./.

Nhật Minh

TAG: người sử dụng lao động giúp việc
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động