An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo bền vững
05:19 PM 26/10/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu tạo điều kiện để hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia, qua đó vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ hộ nghèo mô hình sản xuất, chăn nuôi ở huyện Văn Lãng
Triển khai các văn của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, chủ động ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình, chính sách về giảm nghèo theo quy định; hướng dẫn thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua các hội nghị tập huấn, triển khai công tác, các cuộc họp thôn về các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để người dân hiểu, biết về đối tượng được tham gia các dự án, các nội dung hỗ trợ và đăng ký tham gia.
Từ nguồn vốn được phân bổ thực hiện Tiểu dự án 1- Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3, trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện được 02 dự án lĩnh vực trồng trọt, trong đó: 01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (liên kết sản xuất khoai tây); 01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (sản xuất khoai tây thương phẩm). Tổng số hộ dân được hỗ trợ là 67 hộ, trong đó có 36 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện là 669,7 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 361,2 triệu đồng; đóng góp của người dân là 308,5 triệu đồng.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn năm 2022 chuyển sang, các huyện, thành phố dự kiến thực hiện 38 dự án, trong đó có 01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (chuỗi liên  kết sản xuất gà 6 ngón) hỗ trợ cho 5 hộ, trong đó: 01 hộ cận nghèo, 04 hộ mới thoát nghèo; 37 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự kiến hỗ trợ cho 1.227 hộ, trong đó: 628 hộ nghèo, 473 hộ cận nghèo, 126 hộ mới thoát nghèo. Đến nay, UBND các huyện đã phê duyệt 23 dự án (01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 22 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng). Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 12,021 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương là 7,381 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 112 triệu đồng và đóng góp của người dân là 4,527 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn năm 2023, các huyện, thành phố dự kiến thực hiện 63 dự án, trong đó 04 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ cho 170 hộ, trong đó: 83 hộ nghèo, 72 hộ cận nghèo, 15 hộ mới thoát nghèo và 59 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự kiến hỗ trợ cho là 1.071 hộ, trong đó: 494 hộ nghèo, 416 hộ cận nghèo, 161 hộ cận nghèo. Đến nay, UBND các huyện đã phê duyệt 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 21,792 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương là 19,884 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 597 triệu đồng; đóng góp của người dân là 1,311 tỷ đồng).
Nội dung hỗ trợ chủ yếu là: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã phổ biến, tuyên truyền đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo... để đăng ký thực hiện dự án, lập danh sách các hộ tham gia; triển khai xây dựng dự án, phương án hỗ trợ sản xuất. Hiện UBND các huyện, thành phố đang triển khai thực hiện, UBND các xã đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định phê duyệt dự án và triển khai thực hiện theo quy định.
Để đảm bảo các dự án triển khai đúng kế hoạch, có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra, giám sát được 4 cuộc tại các huyện: Tràng Định, Chi Lăng, Bắc Sơn, Bình Gia. Qua kiểm tra cho thấy, các huyện đã chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện; ban hành các văn bản tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất; kịp thời phân bổ vốn thực hiện các dự án cho các xã ngay sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh và chỉ đạo các xã triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên theo quy định.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ kinh tế - xã hội tổng hợp mang tính cấp bách lâu dài nên tỉnh Lạng Sơn đề ra các chương trình, mục tiêu, xác định vùng trọng điểm, các đối tượng ưu tiên để tập trung mọi nguồn lực đầu tư. Đi đôi với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh còn kết hợp với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, từ sản xuất theo cách truyền thống chuyển sang sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận sản xuất theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao, từ đó người dân đã chủ động tham gia thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương cũng còn gặp một số khó khăn nhất định như: Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo; tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền vận động còn gặp khó khăn do trình độ dân trí thấp không đồng đều; người dân chưa xác định được đối tượng cây trồng, vật nuôi cần đầu tư để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn vốn được phân bổ để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đến nay vẫn còn một số địa phương chưa triển khai thực hiện được, do chưa có văn bản quy định áp dụng mức hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 hay giai đoạn 2021-2025...
Để Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện một cách có hiệu quả, tỉnh đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng các giải pháp hiệu quả trong triển khai xây dựng các mô hình điểm về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa phương./.

Thu Hương
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn