An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lâm Đồng: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
05:20 PM 26/10/2023
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo đầu năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều, tỉnh Lâm Đồng còn 9.731 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.739 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%; hộ cận nghèo còn 13.821 hộ, chiếm tỷ lệ 4,07%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 8.211 hộ, chiếm tỷ lệ 10,47%.

Công tác truyền thông về giảm nghèo được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện 

Triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã được HĐND tỉnh thông qua vào tháng 12/2022.
Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh dưỡng, các địa phương đang triển khai thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 163/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng thiếu vi chất cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo…
Thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai các hoạt động như: thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Kinh phí giải ngân khoảng 1.290 triệu đồng/1.860 triệu đồng; các huyện, thành phố giải ngân nguồn vốn hỗ trợ việc làm bền vững 154 triệu đồng/464 triệu đồng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ việc làm bền vững giải ngân 1.444 triệu đồng/2.324 triệu đồng.
Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chú trọng triển khai thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin như tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở; hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho người dân, ưu tiên các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại huyện Đam Rông; thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo bền vững…
Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho trên 3.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và trưởng thôn, qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở có thêm kiến thức, kỹ năng thực hiện chính sách giảm nghèo. Trong năm 2022, cấp tỉnh và huyện đã thực hiện trên 130 đợt kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các dự án, tiểu dự án, quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại cơ sở.
Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm: Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành gắn nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; vận động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nguồn kinh phí trực tiếp để thực hiện sinh kế ổn định đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có các thành viên còn khả năng lao động nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu và kiến thức sản xuất; đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu lao động hoặc không còn khả năng lao động thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách có liên quan theo quy định, có giải pháp hỗ trợ cụ thể phù hợp để hộ gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của các cấp, các ngành; tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách và vận động nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo... Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương./.

Thu Hương
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa