Lâm Đồng chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác đào tạo nghề của các Trường Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ, từng bước tổ chức hoạt động đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Lâm Đồng có 38 cơ sở GDNN gồm: Trường cao đẳng 04 trường công lập; Trung cấp 02 trường tư thục; 18 Trung tâm GDNN (11 công lập, 7 tư thục); 14 doanh nghiệp, cơ sở khác đăng ký hoạt động GDNN.
Trong năm 2022, số cơ sở GDNN đã tăng 07 đơn vị (07 doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động GDNN); và số cơ sở GDNN giảm là 09 đơn vị, bao gồm: 06 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động GDNN; 02 đơn vị ngừng hoạt động và 01 Trường Cao đẳng do sát nhập.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác GDNN, trong năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 5/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ đào tạo nghề tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).
Nguồn vốn 1,8 tỉ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề đã được phân bổ đến các huyện, thành phố, 100% các huyện, thành phố đã tích cực tổ chức được lớp để đảm bảo tiến độ thực hiện kinh phí được giao. Đồng thời Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, UBND các huyện, thành phố, cơ sở dạy nghề xây dựng danh mục nghề, định mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 265 lao động với kinh phí là 552.736.000đ. Thanh toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, công an xuất ngũ cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục Thiên Phúc Đức với số tiền gần 487 triệu đồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục Trường Sơn với số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Lâm Đồng luôn tích cực hỗ trợ đào tạo nghề trong doanh nghiệp từ nguồn Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề
Sở còn phối hợp với UBND một số huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Lâm Đồng tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh và thị trường lao động. Phát hành tờ rơi, áp phích tuyên truyền về tuyển sinh, chính sách ưu đãi trong đào tạo nghề gửi các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, năm 2022 đã thực hiện tư vấn tuyển sinh cho trên 1.500 học sinh lớp 9 và lớp 12. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 265 lao động với kinh phí là gần 553 triệu đồng.
Trong năm 2022, Sở cũng thành lập đoàn tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 tổ chức tại tỉnh Thái Bình, đoàn tham dự Hội thi Thiết bị đào tạo tự làmtoàn quốc lần thứ VII năm 2022 tại thành phố Vũng Tàu; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp năm 2022; Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Chính trị hè năm 2022 cho 150 cán bộ quản lý, nhà giáo các trường cao đẳng, trung cấp; bồi dưỡng kiến thức cơ bản về bảo đảm chất lượng cơ sở GDNN cho 46 người; bồi dưỡng kiến thức nâng cao về bảo đảm chất lượng cơ sở GDNN cho 36 người.
Nhằm xử lý những sai phạm trong công tác GDNN, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra tại Trưởng Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt; Trung tâm GDNN –GDTX Bảo Lâm, Trung tâm GDNN –GDTX Di Linh; Trung tâm GDNN tư thục Lạc Hồng. Nhìn chung qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã hỗ trợ cho hoạt động quản lý về công tác dạy nghề hiệu quả cũng như giúp cơ sở thực hiện nhiệm vụ tuân thủ pháp luật và quy định tốt hơn, không phát hiện có sai phạm nghiêm trọng phải xử lý. Trong năm, Sở cũng thẩm định cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 04 doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 02 doanh nghiệp và 01 trung tâm GDNN. Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 02 nghề lái xe ô tô hạng B2, C.
Theo đánh giá, năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời hướng dẫn các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai các nhiệm vụ đào tạo, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý để ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác tổ chức tư vấn tuyển sinh GDNN và thị trường lao động được triển khai đồng bộ và liên tục dưới nhiều hình thức đã hỗ trợ các đối tượng về cơ chọn nghề, học nghề gắn với việc làm và thị trường lao động; công tác đào tạo nghề của các Trường Trung cấp, Cao đẳng đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ, từng bước tổ chức hoạt động đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Kết quả tuyển sinh GDNN năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt: 36.039 người, đạt 100,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, Cao đẳng: 1.112 người, đạt 101%; Trung cấp: 1.801 người, đạt 100%; Sơ cấp:15.026 người, đạt 100,1%; Thường xuyên(kèm cặp, tập nghề): 18.100 người, đạt 100%.
Tốt nghiệp GDNN năm 2022 đạt: 35.020 người, đạt 100,05% kế hoạch năm. Trong đó, Cao đẳng: 1.112 người, đạt 101%; Trung cấp: 1.372 người, đạt 114%; Sơ cấp: 15.026 người, đạt 100,1%; Đào tạo thường xuyên (kèm cặp, tập nghề): 17.510 người đạt 98,9%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 74%, tăng thêm 2,8% so với năm 2021 (71,2%), tương ứng có 592.000 lao động qua đào tạo của lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế (ước tính năm 2022 là 800.000 người). Trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ ước đạt 21,8%, tăng thêm 0,8% so với năm 2021 (21%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2022 đạt 56%, tăng thêm 1,69% so với năm 2021(54,31%) tương ứng tăng 13.520 lao động qua đào tạo nghề.
Năm 2023, Lâm Đồng phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 77% (tăng thêm 3% so với kết quả năm 2022). Trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ 22,4% (tăng thêm 0,6% so với năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 57,8% (tăng 1,8% so với năm 2022)./.
Mỹ Hạnh
TAG: