An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lai Châu: Khởi sắc ở huyện miền núi Than Uyên
05:29 PM 17/10/2020
(LĐXH) – Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu từng là địa phương nằm trong chương trình hỗ trợ huyện nghèo (chương trình 30a và 135) của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận ra khỏi huyện nghèo. Đây chính là nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương và cũng là sự nỗ lực của cả người dân vươn lên thoát nghèo.
Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có 12 xã, thị trấn, 131 bản, khu dân cư với 14.158 hộ, 68.412 khẩu. Toàn huyện có 1.973 hộ nghèo (13,98%), hộ cận nghèo 1.793 hộ (12,70%), 4 xã đặc biệt khó khăn và 51 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Với mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 5%/năm, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chương trình, chính sách, hỗ trợ người nghèo làm kinh tế.
Hàng năm, huyện Than Uyên dành ngân sách địa phương hàng tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng Chính sách ủy thác để hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. UBND huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn lồng ghép các nguồn vốn khác hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm cho người dân. Qua đó, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo phải kể đến xã Mường Kim.
Với tổng diện tích tự nhiên 6.814,9 ha, tổng dân số toàn xã Mường Kim tính đến 31/12/2019 là 2.230 hộ với 11.186 khẩu; xã có 19 thôn bản, có 3 dân tộc cùng chung sống. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đầu năm 2016 còn 46,22%.
Mô hình nuôi gà ở xã Mường Kim
Căn cứ các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã Than Uyên đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong BCĐ phụ trách các thôn bản để hướng dẫn, theo dõi, và tổ chức triển khai thực hiện chương trình. UBND xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nội dung, chương trình, chính sách giảm nghèo tại 19/19 thôn bản với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn bản, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh thôn bản để toàn thể Nhân dân nắm bắt.
Giai đoạn 2016 – 2020 xã được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn 30a, 135, 755, của Chính phủ, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa của người dân. Các công trình thuỷ lợi được xây dựng sửa chữa, nhờ đó sản lượng lương thực hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Hình thành vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích 249 ha; hình thành vùng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao trên 200 ha; Hỗ trợ máy móc, cây con giống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các thôn bản đặc biệt khó khăn giúp người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, kết quả điều tra hộ nghèo đầu năm 2016 là 46,22%, dự kiến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 9,10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 7%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa thật bền vững; Việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi còn chậm, công tác nhân rộng các mô hình giảm nghèo chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; Một bộ phận người dân chưa nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tiếp theo, xã Mường Kim đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích hỗ trợ của Đảng, nhà nước về công tác giảm nghèo, từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện chương trình.
Ba làxác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình, thôn bản còn khó khăn, từ đó quan tâm ưu tiên hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, dự án và tuyên truyền hướng dẫn, giúp đỡ để hộ gia đình và thôn bản vươn lên thoát nghèo.
Bốn là, triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả