Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: An toàn, nghiêm túc, khách quan, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các thí sinh
11:23 AM 29/06/2024
(LĐXH)- Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&Đ), kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các thí sinh.
Chiều ngày 28/6/2024, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024).
 Thông tin tại cuộc họp báo, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6/2024. Cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi tại 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi. Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Trong hai ngày diễn ra kỳ thi, cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 26 thí sinh bị đình chỉ thi (9 thí sinh sử dụng tài liệu và 17 thí sinh sử dụng điện thoại di động); không cán bộ nào vi phạm quy chế. Cho đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại họp báo.
Đánh giá sơ bộ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Việc hỗ trợ thí sinh trong Kỳ thi đã được Ban Chỉ đạo thi các cấp đặc biệt quan tâm, được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi theo đúng tinh thần của Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi.
Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Tại họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn mà phóng viên đề cập, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có thông tin với báo chí về việc này.
Trao đổi về vấn đề phòng, chống gian lận bằng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung (Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an) cho hay, theo quy chế phối hợp của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, nhiều trường hợp đã bị xử lý vì vi phạm quy chế thi, trong đó chủ yếu mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Năm nay, Bộ Công an đã tập huấn kỹ để cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử, nhưng chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.
Về thông tin thất thiệt lộ đề thi môn Ngữ văn, trên cơ sở thông tin của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt này. Nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm. Thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện thêm thông tin, Bộ Công an sẽ điều tra, rà soát theo quy định.
Trước băn khoăn của phóng viên về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Số liệu thống kê những năm qua cho thấy có số lượng lớn cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Đây là kỳ thi được đầu tư nhiều công sức, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cách xây dựng đề thi hướng tới đánh giá năng lực người học, có độ phân hóa để các trường đại học tốp đầu cũng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trong thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Thứ trưởng đề nghị các Hội đồng chấm thi thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ;
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi; Các địa phương triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế. Trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT ./.
Thảo Lan

 

 

 

TAG: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Tin khác
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045