Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11: Những thành công đột phá
(LĐXH) - Sau hơn 10 ngày thi sôi nổi, gay cấn cùng nhiều hoạt động mang ý nghĩa nâng tầm Kỹ năng nghề Việt Nam trong giai đoạn mới, kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia (KNNQG) lần thứ 11 năm 2020 đã chính thức khép lại với những thành công mang tính đột phá trong thời kỳ mới với những đòi hỏi trình độ kỹ năng nghề của thí sinh dự thi tiệm cận được với trình độ ASEAN và Thế giới trong những năm gần đây.
Những con số ấn tượng...
Kỳ thi được tổ chức đúng các mục tiêu và mục đích đặt ra, đảm bảo an toàn, an ninh và để lại nhiều những ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn, các thí sinh, các chuyên gia đến từ các tỉnh thành cả nước, lan tỏa rộng khắp và tạo hiệu ứng tích cực đối với nhận thức xã hội về học nghề và lập nghiệp dựa vào kỹ năng nghề.
Tổng số nghề tổ chức thi là 34 nghề (31 nghề thi chính thức và 03 nghề thi trình diễn), đặc biệt có 07 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội; Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn) với 5 hội đồng thi,tại Hà Nội và Lạng Sơn.
Tham dự có 474 thí sinh, trong đó có 466 thí sinh dự thi ở 31 nghề thi chính thức, 08 thí sinh dự thi ở 03 nghề trình diễn đến từ 49 đoàn. Đoàn có thí sinh dự thi đông nhất là đoàn Hà Nội với 61 thí sinh tham dự ở 32 nghề; 5 nghề có thí sinh tham dự nhiều nhất là các nghề: nghề Hàn (34 thí sinh); nghề Điện lạnh (33 thí sinh); nghề Lắp đặt điện (29 thí sinh); nghề Công nghệ ô tô (28 thí sinh); nghề Cơ điện tử (26 thí sinh).
Có 290 thí sinh đạt giải, trong đó 122 thí sinh đạt giải Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc; 69 thí sinh đạt huy chương Đồng; 28 thí sinh đạt huy chương Bạc, 71 thí sinh đạt huy chương Vàng và 10 Đoàn có thành tích cao nhất.
An toàn tuyệt đối và giá trị cốt lõi
Một trong những ấn tượng của kỳ thi là công tác giám sát, lần đầu tiên có sự tham gia của lực lượng an ninh của Cơ quan an ninh nội bộ (A03) thuộc Bộ Công an và PA03 tại các địa phương, địa bàn có điểm tổ chức thi đảm bảo công tác an toàn, anh ninh tuyệt đối, đồng thời giam sát thực hiện 7 giá trị cốt lõi của kỳ thi "đa dạng, xuất sắc, công bằng, đổi mới, liêm chính, hợp tác và minh bạch".
Các đoàn đều cử chuyên gia kỹ thuật tham gia tại xưởng có thí sinh của mình tham dự nhằm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, kết hợp với các lực lượng an ninh cùng tham gia giám sát nên đã đảm bảo tuyệt đối. Số lượng chuyên gia làm giám khảo ở 34 nghề lên tới 300 thành viên, trong đó số chuyên gia làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi chính thức là 209 người hội tụ 11 phẩm chất phải có là: Liêm chính; trong sáng và minh bạch; công bằng; hợp tác; đổi mới và xuất sắc; nhân phẩm; môi trường và tính bền vững; sức khỏe an toàn và môi trường; lãnh đạo; bảo mật; tuân thủ và minh bạch.
Do quy chế kỳ thi có nhiều đổi mới nhằm tăng tính công bằng, minh bạch, trong sáng và chặt chẽ nên các chuyên gia làm công tác giám khảo đều được Ban tổ chức tổ chức tập huấn kỹ lưỡng về quy chế và kỹ thuật đánh giá, cho điểm bài thi đã góp phần làm lên một kỳ thi an toàn, tính kỹ thuật được đề cao và thành công ở nhiều góc độ. Đa số các chuyên gia đều phải làm việc căng thẳng, vất vả, một số nghề thực hiện suốt đêm để đo lường, đánh giá cho điểm đảm bảo tiến độ như: nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, nghề Phay CNC, nghề Tiện CNC...
NHB
TAG: