Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Ký kết tuyên bố chung giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bang Thüringen (CHLB Đức)
11:32 AM 10/04/2019
(LĐXH)- Trao đổi với Thủ hiến Bang Thüringen (CHLB Đức) Bodo Ramelow, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Phía CHLB Đức từ lâu đã hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Lao động - TBXH Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, mà còn ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác như dự án Đánh giá tác động của tăng trưởng xanh, các dự án luật...
Ngày 9/4/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung; ông Bodo Ramelow, Thủ hiến Bang Thüringen chủ trì và chứng kiến Lễ ký tuyên bố chung giữa Bộ Lao động –TBXH Việt Nam và Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình Bang Thüringen, Cộng hòa Liên bang Đức về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp.
Tham dự buổi lễ còn có Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Quân cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Bang Thüringen có Bộ trưởng Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức giáo dục nghề nghiệp…
Quang cảnh Lễ ký kết tuyên bố chung
Trước khi ký tuyên bố chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thủ hiến Bang Thüringen Bodo Ramelow đã có cuộc hội đàm trao đổi thông tin và tình hình hợp tác giữa hai bên.
Trao đổi tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Quan hệ Việt Nam - Đức là quan hệ đối tác chiến lược. Riêng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hiện Việt Nam đã nhập của Đức 34 bộ giáo trình cho 22 nghề trọng điểm và sẽ được triển khai tại 40 trường nghề theo mô hình đào tạo kép. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - TBXH cũng đã đào tạo 4 khóa về đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề giữa hai nước...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo tình hình hợp tác với CHLB Đức với Thủ hiến Bang Thüringen
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tiềm năng lao động của Việt Nam rất lớn, các nước đều đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù, thông minh. Bên cạnh đó, nhu cầu về đào tạo nghề, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam hiện tại rất lớn nhờ lực lượng dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào trong khi việc đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN và Đức, nơi có hệ thống đào tạo nghề tốt đã được kiểm chứng, có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực này…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thủ hiến Bodo Ramelow chứng kiến lễ ký kết
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ Lao động - TBXH đối với Đoàn, Thủ hiến Bodo Ramelow: cho biết: Với diện tích tự nhiên là 16.000 km², dân số khoảng 2,2 triệu người. Sau 30 năm thực hiện cải cách và chuyển đổi, Bang Thüringen đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù không tập trung nhiều tập đoàn lớn của Đức nhưng Bang Thüringen có thế mạnh về các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động rất hiệu quả, năng động, có vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp của Đức. Đặc biệt, tỉ lệ lao động ở Bang có việc làm rất cao với hệ thống đào tạo nghề rất tốt – đào tạo song hành với thực hành tại các cơ sở sản xuất. Do đó, Thuringen mong muốn tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên Việt Nam.
Hai bên trao bản tuyên bố chung
Theo ông Bodo Ramelow, nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ như hiện nay cũng dựa vào một hệ thống đào tạo nghề quan trọng. Hệ thống đào tạo nghề “Kép” của Đức là hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 - 3,5 năm, tùy theo nghề học. Nhà nước chỉ đưa ra điều kiện khung còn các doanh nghiệp phải đưa ra hình thức đào tạo, phương thức hoạt động cho một sản phẩm cụ thể.
Thủ hiến Bodo Ramelow phát biểu mong muốn được hợp tác với Bộ Lao động - TBXH
“Việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam không phải là con đường 1 chiều mà chúng tôi muốn đưa lại ấn tượng tốt với thanh niên Việt Nam khi sang đào tạo tại Bang Thüringen. Học viên Việt Nam đào tạo tại Đức sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh sống và học tập. Khi họ có trong tay trình độ, chuyên môn thì họ chính là những người sẽ cùng xây đắp tình hữu nghị giữa hai bên. Ngược lại, các doanh nghiệp của Bang Thüringen rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu, đầu tư hoạt động tại Việt Nam qua đó cụ thể hóa và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức” - ông Bodo Ramelow, chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong muốn sớm được mở rộng hợp tác với Bang Thüringen
Lãnh đạo hai bên và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bộ Lao động - TBXH
Với mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển thành công của mối quan hệ kinh tế giữa Thuringia và Việt Nam, Bộ Lao động – TBXH Việt Nam và Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình Bang Thüringen (CHLB Đức) đã thống nhất ký tuyên bố chung. Sau đây là những nội dung chính của bản tuyên bố:
Thứ nhất, Đánh giá cao các sáng kiến của các doanh nghiệp Thüringen và các hiệp hội của các doanh nghiệp, phòng thương mại khuyến khích thanh niên từ Việt Nam sang hoàn thành đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở Thüringen.
Thứ hai, Các điều kiện trong hợp đồng của các doanh nghiệp Thüringen đối với thanh niên học nghề Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Đức và tương đương với thanh niên học nghề người Đức trong chính doanh nghiệp đó.
Thứ ba, Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình bang Thüringen sẽ cung cấp các chương trình hỗ trợ người học việc trẻ tuổi từ Việt Nam trong quá trình hòa nhập với môi trường mới.
Thứ tư, Hai bên sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Thüringen và hiệp hội các doanh nghiệp/phòng thương mại tìm được những đối tác phù hợp tại Việt Nam để tổ chức những khóa đào tạo ngoại ngữ và văn hóa cần thiết tại Việt Nam nhằm chuẩn bị cho những thanh niên sang học giáo dục nghề nghiệp và thực tập nghề ở Thüringen.
Thứ năm, Những thanh niên từ Việt Nam hoàn thành giáo dục ở Thuringia là một đóng góp để tăng cường mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa Việt Nam và Thuringia trong tương lai.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hỗ trợ việc làm góp phần giảm nghèo bền vững ở Bình Sơn
Thị xã Ngã Năm: Đột phá trong công tác tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo bền vững
Đồng Tháp: Tăng cường các hoạt động sàn giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc trong và ngoài nước
Sóc Trăng: Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững
 Tiền Giang: Đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm cho người lao động
Nam Định: Đa dạng các phiên giao dịch việc làm cho người lao động
TP.HCM: Tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm