Kon Tum quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tệ nạn ma túy và đã thu được những kết quả tích cực.
Triển khai công tác phòng, chống ma túy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung cũng như tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng tại các địa bàn trọng điểm; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tăng cường thông tin, truyền thông về hoạt động phòng, chống ma tuý, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm việc tại UBND tỉnh Kon Tum
Năm 2019, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 59 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thường xuyên rà soát, thống kê, thu thập số liệu, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy; tổ chức công tác năm tình hình, phòng ngữa, ngăn chặn vi phạm; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc bắt giữ, điều tra các vụ án về ma túy; công tác xử lý chất ma túy, tiền chất đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực theo hướng tăng cai nghiện tự nguyện; chương trình điều trị Methadone cho người nghiện đạt hiệu quả thiết thực; công tác tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để điều trị, cắt cơn và phân loại đã được thực hiện thường xuyên; việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã thực hiện nghiêm theo luật, bảo đảm quyền công dân. Hoạt động dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, tạo việc làm cho người sau cai nghiện được chính quyền cơ sở quan tâm thực hiện đã góp phần giúp người sau cai tìm được việc làm, có thu nhập, hạn chế tình trạng tái nghiện và tiếp tục vi phạm pháp luật...
Triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề ra 06 nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể: Tăng cường đẩy mạnh và phát huy vai trò quản lý của UBND cấp xã về công tác phòng, chống ma túy; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại các xã; Rà soát, thống kê, phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã; phân loại người nghiện ma túy và lập hồ sơ quản lý; Tập trung tổ chức công tác điều trị nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; quản lý địa bàn không để hình thành điểm nóng về ma túy ở cơ sở; Vận động Nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tổ chức kiểm tra, phát hiện và phá nhổ cây có chứa chất ma túy.
Trong thời gian tới, Kon Tum sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, nhất là về tác hại của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới và tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao; Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của các tổ chức phối hợp liên ngành và các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy đủ mạnh để có thể kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình hình mua bán, vận chuyển ma túy vào địa bàn tỉnh; Tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để thất thoát tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Đổi mới công tác cai nghiện theo hướng đa dạng hóa các mô hình, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các cơ sở cai nghiện tập trung; đồng thời, xây dựng và mở rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý sau cai. Tiếp tục thực hiện các hình thức cam kết thi đua xây dựng từng gia đình, từng địa bàn thôn, xóm, phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học, chi bộ không có ma túy. Có chính sách quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm cho các đối tượng cai nghiện hoà nhập cộng đồng, ngăn chặn tình trạng tái nghiện.../.
Cảnh Minh
TAG: