Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Kon Tum nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới
07:27 PM 22/11/2022
(LĐXH)-Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực đẩy mạnh công tác bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của nữ trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Kế hoạch triển khai thực hiện thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Chương trình công tác năm 2022 của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh; Kế hoạch của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022; Thông báo Kết luận của đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2021, triển khai công tác năm 2022 của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh.
Để nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động lồng ghép việc tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới trong các hoạt động của ngành, địa phương bằng nhiều hình thức phong phú. Trong 06 tháng đầu năm 2022 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều loại hình phù hợp như hợp đồng truyền thông với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; In ấn xuất bản 11.300 tờ rơi, 322 Dĩa CD, 18 băng rôn, trong đó có nội dung ngăn ngừa, phòng chống bạo lực, bị xâm hại, lạm dụng, ngược đãi trẻ em; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dự mới 02 cụm pano tuyên truyền về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại thành phố Kon Tum.
Ngoài ra, các cấp, các ngành đoàn thể thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã lồng ghép vào các chương trình công tác để thực hiện tuyên truyền đến hội viên, gia đình và cộng đồng dân cư về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính. Tiếp tục triển khai duy trì và nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên toàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Ban Dân tộc đã tích cực lồng ghép tuyên truyền cho bà con đồng bào DTTS về các Luật Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt là các văn bản về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công chức, người lao động nghiên cứu các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với lao động nữ; các chế độ mới có liên quan đến lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội....
Đông đảo các lực lượng, Nhân dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi tham dự Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 tỉnh Kon Tum
Tỉnh cũng chú trọng nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Theo thống kê, đến nay, tại Kon Tum, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới lại cấp tỉnh: 02 người, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới tại cấp huyện: 10 người, số lượng cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bình đẳng giới tại cấp xã, phường, thị trấn: 102 người. Trong 6 tháng đầu năm tổ chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị quán triệt các Chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về bình đẳng giới và nội dung liên quan đến Chương trình về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh với 114 người tham dự. Ban Dân tộc tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trên địa bàn các huyện, thành phố năm 2022 theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg, với 223 người tham gia. Trong đó, có 18 đại biểu nữ tham gia. Đồng thời, ban hành văn bản đề nghị 50 đơn vị là các sở, ban, ngành đoàn thể và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia khảo sát trực tuyến về tình hình 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Nhìn chung, đến nay đội ngũ cán bộ làm công tác về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận các chính sách về công tác bình đẳng giới và tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, trong đó có Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Bình đẳng giới. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới đã được các sở, ngành, đoàn thể thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn định kỳ 6 tháng và năm; số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị.
Cùng với đó, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh và các cấp đã tiến hành tự kiểm tra thông qua các hoạt động kiểm tra chuyên môn, công đoàn... Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và thường thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn, số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị. Trong 06 tháng đầu năm 2022, không có khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tiến tới mục tiêu giảm dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế,… cấp ủy Đảng các cấp trong Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ được các cơ quan, địa phương triển khai, kịp thời và đúng theo quy định đã tạo bước chuyển biến cả về chất lượng, số lượng, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, trẻ và trình độ chuyên môn, lý luận chính trị... Các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương thông qua các phong trào, chương trình, hội thảo. Bên cạnh đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án tác động đến đời sống của phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Công tác giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ ngày càng được quan tâm. Đội ngũ cán bộ nữ luôn được ưu tiên cử đi đào tạo ở nhiều loại hình đào tạo khác nhau để nâng cao trình độ về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ và đa dạng các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới lĩnh vực thông tin, truyền thông và tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính  trị, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở Kon Tum đã đạt những kết quả đáng kể. Số lượng, cán bộ dân tộc, cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị… Việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đã triển khai đồng bộ, kịp thời và đúng theo quy định. Phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp uỷ và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh giai đoạn 2021-2026 theo hướng: Cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) từ 15% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên. Số phụ nữ làm chủ hộ và làm chủ kinh tế gia đình tăng, số phụ nữ làm chủ doanh nghiệp cũng tăng. Tính đến ngày 14 tháng 6 năm 2022, số doanh nghiệp/hợp tác xã có nữ đảm nhiệm chức vụ chủ doanh nghiệp/hợp tác xã là 770 trên tổng số doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 2.997, tương ứng tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã 6 tháng đầu năm 2022 đạt 25,7%. Trẻ em gái, nữ học sinh, sinh viên ngày càng tích cực tham gia học tập với nhiều cấp bậc cao hơn. Hiện nay, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì và giữ vững; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ được duy trì và nâng cao. Các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới lĩnh vực thông tin, truyền thông và tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe được triển khai thường xuyên hơn và ngày một đa dạng.
Trong thời gian tới, Kon Tum sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị theo nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các hiệu quả tại các Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch  thực hiện Chương trình “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.  Sơ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác BĐG; tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về công tác bình đẳng giới và tiếp tục triển khai thực hiện các Mô hình về bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới. Quan tâm đến nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng trong xã hội./.

Mỹ Hạnh


TAG:
Tin khác
Thái Bình: Hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở HTX Đại Đồng
Phủ sóng thông tin giúp người dân ở Vĩnh Châu tiếp cận chính sách giảm nghèo ngày càng hiệu quả
Long Phú thực hiên hiệu quả công tác giảm nghèo
Nam Định phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5% vào cuối năm 2025
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công