Kịp thời triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
(LĐXH) Chiều ngày 16/02/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương phối hợp với các Bộ ngành tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì; tham gia hội nghị có đại điện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội; đại diện các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc thành phố, Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên CSHCM thành phố.
Theo Nghị quyết 11/ NQ-CP, NHCSXH được giao thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCXH giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 và triển khai gói tín dụng 38.400 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023), gồm:
- Hai chương trình cho vay được bổ sung vốn để tiếp tục triển khai là: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tổng nguồn vốn bổ sung cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.
- Ba chương trình cho vay mới và cấp vốn để triển khai là: Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua, UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp phối hợp với Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn Trung ương và Thành phố gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2020, 2021 gắn với nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên vốn cho các đối tượng là người nghèo, người yếu thế và các đối tượng và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất, tạo việc làm. Trong năm 2021, UBND thành phố đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH Thành phố tích cực phối hợp với các Sở ngành triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động có nguồn lực để tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, trong năm 2020 và 2021 Thành phố đã dành 1.150 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH Thành phố để giải ngân cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan liên quan, UBND các địa phương tích cực phối hợp với Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao tại Nghị quyết 11/NQ-CP. Trong đó tập trung năm nhóm giải pháp sau:
- Thứ nhất, làm tốt công tác rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết 11/NQ-CP để làm cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn cho vay trên địa bàn Hà Nội.
- Thứ hai, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
- Thứ ba, tham mưu UBND Thành phố ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn được tiếp cận vốn tín dụng chính sách với những ưu đãi hơn về điều kiện, thủ tục, lãi suất và mức vốn vay. Đồng thời, cân đối Ngân sách Thành phố khoảng 1.000 tỷ đồng chuyển bổ sung qua NHCSXH trong năm 2022, 2023 để thực hiện gói tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinnh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND Thành phố đã ban hành.
- Thứ tư, chỉ đạo NHCSXH Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đã và đang triển khai trên địa bàn, đồng thời, kịp thời nắm bắt thông tin và tổ chức tuyên truyền, tập huấn để triển khai thực hiện có hiệu quả một số chương trình tín dụng mới trong năm 2022 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
- Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 246/KH-UBND Thành phố. Song song với đó, thường xuyên quan tâm triển khai có chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng như công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được kịp thời chuyển tải đến đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đất nước, lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Để sớm thực hiện Chương trình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo,... vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch. Phó Thủ tướng biểu dương những kết quả NHCSXH đã đạt được, đánh giá cao quyết tâm của NHCSXH và các bộ ngành trong việc tổ chức triển khai sớm đưa Nghị quyết của Chính phủ đi vào cuộc sống; đồng thời đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để NHCSXH thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để bảo đảm nguồn vốn và tổ chức triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả. Khi đã có vốn, NHCSXH cần triển khai phân bổ nguồn vốn hài hòa, hợp lý giữa các địa phương, khu vực,… đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng địa chỉ, công khai, minh bạch, quyết tâm không được để xảy ra sai sót, vi phạm. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc giải ngân vốn tín dụng ưu đãi. Phải xác định rõ, nhiệm vụ của NHCSXH cũng là nhiệm vụ của địa phương mình. "Chính phủ đã tin tưởng giao cho NHCSXH thực hiện nhiệm vụ này", Phó Thủ tướng tin tưởng với uy tín xã hội và kinh nghiệm của mình, NHCSXH sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao.
Thay mặt NHCSXH, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và cam kết sẽ nhanh chóng cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng thành các kế hoạch chi tiết cụ thể để triển khai thực hiện. Với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tập thể cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xây dựng hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thảo Lan
TAG: