Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định, từ năm 2010 đến nay, địa phương đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong tỉnh. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề; qua đó chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên. Chỉ tính riêng 3 năm (2016 - 2018), tỉnh Nam Định đã hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 17.068 người. Tỷ lệ lao động qua học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 85%.
Qua 9 năm triển khai thực hiện, bài học kinh nghiệm trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nam Định cho thấy: huyện nào, xã nào có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện thì ở đó tổ chức tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin đầy đủ về định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và khả năng giải quyết việc làm, thu nhập của từng nghề sau khóa học mới tư vấn được cho người lao động hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề, nâng cao kỹ năng nghề để họ chủ động đăng ký nghề cần học.
Để thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các Sở, ban ngành có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hoá... Đồng thời phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm.
Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp phải có đủ năng lực và điều kiện triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp tại Phòng Dạy nghề của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải được tăng cường về chất lượng và đủ về số lượng. - Công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các khâu và ở tất cả các cấp.
Thời gian tới đây, để phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới; Gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi cơ sở dạy nghề chọn 3 đến 5 nghề có thế mạnh để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đế nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn trên địa bàn.
Các giải pháp địa phương hướng tới chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của công tác đào tạo trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo; Tiếp tục triển khai hướng dẫn việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tập trung xây dựng Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định; Từng bước đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Trần Huyền