Kinh nghiệm quản lý cai nghiện nhìn từ Bình Dương
Từ đầu năm đến nay, số học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động và Tạo việc làm Bình Dương luôn ở mức 800-900 người, gồm cả những đối tượng đã có quyết định của Tòa án đưa vào cai nghiện bắt buộc; đối tượng cai nghiện tự nguyện và đối tượng lưu trú trong thời gian hoàn tất hồ sơ chờ Tòa án xem xét ra quyết định.
Việc các địa phương lân cận liên tiếp xảy ra tình trạng học viên cai nghiện tự ý đập phá trung tâm, đồng loạt bỏ trốn đã gây ảnh hưởng “dây chuyền” đến Bình Dương.
Sở Lao động - TBXH vừa phối hợp cùng với Công an tỉnh và các lực lượng chức năng khác tổ chức cuộc họp khẩn để bàn biện pháp tăng cường công tác đảm bảo ANTT đối với học viên cai nghiện.
Bởi thông tin về các vụ việc trốn trại trên đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của họ. Để tăng cường bảo đảm ANTT, Sở đã đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng học viên cai nghiện trốn trại tập thể.
Cụ thể, Sở sẽ rà soát toàn bộ các đối tượng cai nghiện để phân loại hợp lý. Đối với các đối tượng đang được các huyện, thị đưa đến lưu trú tạm thời chờ Tòa án xét xử, ra quyết định, việc rà soát sẽ được tiến hành theo tiêu chí: Nếu đối tượng dương tính với chất ma túy, sử dụng ma túy 1-2 lần chưa nghiện, sẽ được xem xét trả về địa phương mà không lập hồ sơ để Tòa án xét xử.
Nhóm thứ hai phụ thuộc vào việc xác định nơi cư trú của lực lượng Công an, nếu có địa chỉ rõ ràng, đối tượng sẽ được trả về địa phương phối hợp điều trị, cai nghiện tại cộng đồng.
Những đối tượng bị bệnh tật nặng, trung tâm sẽ xem xét theo hướng không giữ lại mà thực hiện rà soát địa chỉ nơi cư trú để trả về địa phương và gia đình quản lý; chỉ giữ lại các đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định.
Trước năm 2015, đối tượng tập trung cai nghiện của Bình Dương chỉ từ 300-500 người, nhưng gần đây, số đối tượng cai nghiện tăng gấp đôi.
Dù vậy con số này cũng chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của các địa phương do sức chứa của trung tâm chỉ đạt khoảng 750 học viên, nhưng các huyện, thị vẫn tiếp tục đưa người nghiện đến trung tâm.
Do đó, Sở đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương chỉ đạo cho các địa phương tạm dừng đưa các đối tượng lên để đảm bảo không gây quá tải cho trung tâm. Khi nào số người nghiện giảm xuống 30-40 người, trung tâm mới thông báo cho Công an các địa phương tiếp tục đưa người nghiện đến.
Đây là điểm khác biệt mấu chốt giữa Bình Dương và các tỉnh, thành khác. Để xảy ra quá tải sẽ tạo ra sự bức bách về tâm lý; ăn uống, sinh hoạt của học viên không được đảm bảo gây bức xúc, có thể dẫn đến việc học viên manh động. Công tác quản lý đội ngũ trực tiếp tại các trung tâm cũng rất khó khăn.
Một số nhân viên trung tâm còn cư xử chưa đúng mực, xem người nghiện như tội phạm khiến họ bức xúc. Theo đánh giá của Công an Bình Dương, công tác cai nghiện kéo giảm đáng kể tình hình tội phạm ở địa phương.
Do đó Công an tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Sở trong công tác này. Ngoài việc xin chủ trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp mở rộng nâng sức chứa trung tâm đến 1.500 học viên từ nay đến năm 2020, thì với những đối tượng cá biệt, manh động, phần lớn có tiền án, tiền sự, tiền sử nghiện lâu…
Trung tâm tập trung họ vào cùng phòng để có sự quản lý chặt chẽ. Chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên trung tâm đặc biệt quan tâm họ trong quá trình tiếp xúc, giáo dục, cảm hóa và dạy nghề.
Mỗi phòng từ 20-30 học viên. Hàng ngày, họ vẫn đi lao động chung nhưng có sự quan tâm giáo dục khác hơn để ngăn ngừa lôi kéo người nghiện khác manh động. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn, có đủ nhân sự và cơ sở vật chất để tách nhóm đối tượng cá biệt ra khu riêng.
Hiện tại, trung tâm có 65 người, nhưng thực tế nhu cầu phải đến 90 người bởi theo quy định, một cán bộ chỉ quản lý 9 học viên. Sở đang đề nghị UBND tỉnh cho trung tâm được tăng thêm biên chế hợp đồng 25 người.
Đối với chuyên môn về điều trị cai nghiện yêu cầu tuyển dụng đúng ngành nghề như, chuyên ngành bác sỹ tâm thần, có đào tạo cấp chứng chỉ lớp chuyên ngành quản lý, điều trị cai nghiện học viên do Sở Y tế cấp.
Đối với bảo vệ trung tâm thì tiêu chuẩn không cao chỉ yêu cầu họ có học vấn tốt nghiệp phổ thông và ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ, có đạo đức. Đến nay, trung tâm chưa từng xảy ra trường hợp nào học viên đập phá, trốn trại tập thể.
Chỉ có một vài trường hợp nhỏ lẻ lợi dụng thời điểm được đưa ra ngoài lao động đã bỏ trốn nhưng trung tâm đã truy tìm được. Về thẩm lậu ma túy vào trung tâm, tại đây chưa từng phát hiện, xử lý trường hợp nào.
Bình Dương đang đứng trước quá tải, nhưng nhiều huyện, thị vẫn còn nhu cầu đưa người nghiện đến trung tâm.
Do đó, Sở LĐ - TB - XH Bình Dương đã chủ động đề nghị TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Bình Dương để gửi đối tượng cai nghiện bắt buộc vào 2 trung tâm của TP Hồ Chí Minh đóng trên địa bàn Bình Dương là Trường Giáo dục, Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 và Trung tâm cai nghiện Bố Lá.
Cụ thể, 2 trung tâm này của thành phố sẽ hỗ trợ nhận 250 đối tượng cai nghiện bắt buộc của Bình Dương mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đã cơ bản nhất trí với đề nghị trên.
Được hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ phân loại đối tượng cá biệt để đưa vào Trung tâm cai nghiện Bố Lá. Được biết, trung tâm này điều trị tốt các đối tượng cá biệt.
Ngoài ra, để hỗ trợ người cai nghiện có thể tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian ở trung tâm, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH phối hợp Trung tâm giới thiệu việc làm của Bình Dương tổ chức dạy một số nghề cho khoảng 100 học viên như lái xe nâng, cạo mủ, hớt tóc, đan ghế… và thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương nắm tình hình, hoàn cảnh của người nghiện sau khi cai nghiện tốt ở trung tâm để hỗ trợ họ khi về với cộng đồng.
Nhưng thực tế đáng lo là phần lớn hoàn cảnh gia đình người nghiện quá đặc biệt và khó khăn, người thân không phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ.
Phần lớn chủ các doanh nghiệp họ khó chấp nhận một người từng cai nghiện ma túy vào làm việc… những nguyên nhân trên có thể dẫn đến người nghiện chán nản dẫn đến khả năng tái nghiện là khá cao.
PV
TAG: