Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Kiên Giang tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09:56 AM 17/12/2017
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện.
Trong những năm qua, Kiên Giang đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đào tạo nghề không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng đào tạo được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực, quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 70 - 80%, cá biệt có một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm 100%.
Tỉnh đã xây dựng và lồng ghép các đề án, chương trình như: Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn; chương trình xây dựng phát triển nông thôn mới; dự án vay vốn giải quyết việc làm, kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề làm việc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; kế hoạch đào tạo lao động nhân lực có tay nghề cao… để triển khai thực hiện.
Thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có trên 60.000 lao động được cấp chứng chỉ học nghề. Trong đó, số lao động nông thôn có việc làm là 47.650 lao động, đạt tỷ lệ 78,6% so với tổng số lao động học nghề xong. Tỷ lệ lao động học nghề dưới 3 tháng học xong có việc làm đạt 82%. Số lao động được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng là 3.408 lao động, số lao động được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm là 794 lao động; số lao động tự tạo việc làm là 43.019 lao động, số lao động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp là 429 lao động.
Các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề đã phát huy được hiệu quả kiến thức áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, nông dân ở huyện Vĩnh Thuận chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nay được học nghề, có thêm nhiều nghề mới. Người dân có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế gia đình. Bà Nguyễn Thị Đào, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết, do tuổi đã cao, bà không làm ruộng được. Năm 2014, bà được tham gia lớp học nghề đan hạt cườm. Ban đầu tập đan những vật phẩm đơn giản như các vật dụng nhỏ để treo móc khóa, giờ đây, bà đã có thể hoàn thành các sản phẩm như ví cầm tay, túi xách với nhiều kiểu dáng mới lạ. Hiện mỗi tháng, trung bình bà Đào có thu nhập trên hai triệu đồng từ bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Hội nghị bàn giải pháp cho dạy nghề LĐNT ở Kiên Giang
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Thanh Bình, hơn 7 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện, hiệu quả lớn nhất là đã thay đổi được nhận thức của người dân. Nếu như trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng nhỏ lẻ, đến nay nhiều người đã mạnh dạn mở rộng sản xuất sau khi được dự các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh.
Không chỉ mở mang nhiều nghề mới cho thu nhập khá, trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Xác định kinh tế chủ yếu của huyện Vĩnh Thuận là sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng trồng lúa và nuôi tôm, gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, trồng lúa, kỹ thuật trồng hoa màu cho người dân.
Một số xã như Vĩnh Bình Bắc, Tân Thuận, Bình Minh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình Nam…đang thực hiện mô hình trồng màu - nuôi tôm; mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi tôm sú kết hợp nuôi tôm càng xanh…. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, ngụ ấp Ba Đình, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, sau khi tham gia lớp dạy nghề nuôi tôm càng xanh, gia đình chị đã ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mỗi năm thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng từ mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú.
Chị Hằng cho biết, trước đây, gia đình chị chỉ nuôi tôm sú. Do thời tiết diễn biến phức tạp, việc nuôi tôm sú không đạt hiệu quả. Khi có kiến thức về nuôi tôm càng xanh xen tôm sú - trồng lúa, gia đình chị đã áp dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Vĩnh Thuận đã mở được 137 lớp, trong đó bao gồm 101 lớp dạy các nghề sản xuất nông nghiệp, 36 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, qua đó đào tạo cho trên 4.000 lao động; hỗ trợ cho 1.800 đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, người tàn tật, đối tượng thuộc hộ cận nghèo; cấp chứng chỉ nghề cho hơn 4.000 lao động; giải quyết việc làm cho trên 200 lao động làm việc tại các doanh nghiệp và tham gia các mô hình kinh tế tập thể; hơn 600 lao động tham gia các hợp tác sản xuất và hơn 3.000 lao động có việc làm tại chỗ.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, qua đó tạo tiền đề thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vĩnh Thuận trong những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Huyện thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, số doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề cho lao động còn ít nên khả năng triển khai gắn các lớp đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp còn thấp. Mặt khác, thị trường giá cả không ổn định, "đầu ra" của nhiều sản phẩm khó khăn; đời sống lao động ở nông thôn còn nghèo, thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất phát triển kinh tế gia đình sau khi học nghề cũng là những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề gặp khó khăn.
Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, để khắc phục những khó khăn, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 đến năm 2020, thời gian tới, huyện Vĩnh Thuận tập trung đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
PV
TAG:
Tin khác
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo
Đồng Tháp nỗ lực triển khai Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở An Giang