(LĐXH) - Theo bà Võ Ngọc Thứ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo định hướng phát triển, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 đào tạo nghề cho lao động với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 50%. Hằng năm, tỉnh đào tạo cho khoảng 25.000 người trở lên.
Kiên Giang luôn chú trọng trang bị kỹ năng tay nghề cho người lao động là giải pháp giải quyết việc làm có hiệu quả nhất
Quy mô tuyển sinh giai đoạn 2016-2020 là 128.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 3.150 người, trung cấp là 8.000 người, sơ cấp là 46.500 người và đào tạo thường xuyên là 70.350 học viên…Dự kiến năm 2020 tăng lên 33 cơ sở dạy nghề so với năm 2015 (hiện có 28 cơ sở dạy nghề) với tỷ lệ nhà giáo/sinh viên, học sinh đạt 1/20 (vào năm 2018)…
Với những mục tiêu đó và xác định tầm quan trọng của vấn đề lao động – việc làm, từ năm 2015 đến giai đoạn năm 2016- 2020, Kiên Giang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tỉnh sẽ tiếp tục đào tạo lao động gắn với nhu cầu thị trường, nhu cầu của địa phương và người học, đào tạo nghề gắn với việc làm và đào tạo tay nghề cao cho lao động; thực hiện ký hợp đồng dạy nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch của tỉnh.
Hiện tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo được nhiều việc làm thu hút lao động tham gia tại khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), cảng cá Tắc Cậu…
Đặc biệt, nhằm đào tạo tay nghề cho lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về đào tạo lao động có tay nghề làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Kiên Giang sẽ tập trung đào tạo lao động từ 16-35 tuổi đang làm việc hợp đồng tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng chưa qua đào tạo hoặc cần đào tạo lại; lao động có nhu cầu học nghề để làm việc tại khu, cụm công nghiệp và khu du lịch trong tỉnh, trong đó ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng chưa có việc làm.
Các ngành nghề đào tạo dựa trên kết quả dự báo khảo sát điều tra của các địa phương, sở, ngành. Hằng năm, các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề, chương trình, giáo án, bố trí giáo viên, thiết bị dạy học…theo chức năng, nhiệm vụ được cấp phép hoạt động. Đối với Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang tổ chức đào tạo nghề điện lạnh, lái xe nâng, vận tải, nhà hàng, khách sạn…; Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang đào tạo nghề công nghệ chế biến thực phẩm, thủy hải sản, đồ hộp..; kế toán, ngoại ngữ…Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang đào tạo nghề cắt gọt kim loại và điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật xây dựng…
Song song đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung đào tạo những ngành nghề gắn với quy hoạch phát triển các tiểu vùng cùng mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng: tiểu vùng tứ giác Long Xuyên triển khai đào tạo nghề cơ khí, điện, kế toán, lái xe công trình, thủy sản, bao bì, du lịch, nhà hàng…; tiểu vùng tây sông Hậu gồm nghề may công nghiệp, may giầy da, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, cơ khí nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm, trồng trọt….; tiểu vùng U Minh Thượng gồm các nghề hậu cần nghề cá, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, du lịch sinh thái….; tiểu vùng biển đảo tập trung đào tạo các nghề du lịch – thương mại, nhà hàng – khách sạn, kinh tế biển…
Bên cạnh đó, nhóm giải pháp có tính chiến lược cũng được Kiên Giang tập trung thực hiện là: đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân luồng học sinh; xã hội hóa, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, mở rộng ưu đãi đầu tư đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và khuyến khích gắn kết cơ sở với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác quốc tế và đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất trong mạng lưới dạy nghề của tỉnh…
Được biết, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 192.212 người, đạt 115% so với kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng nghề là 2.113 người, trung cấp nghề là 4.238 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 185.861 người.
Riêng việc thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, sau 5 năm, Kiên Giang đã đào tạo nghề cho 60.639 lao động , trong đó, số lao động thuộc nhóm 1 gồm người có công, hộ nghèo, người dân tộc, tàn tật, hộ bị thu hồi đất canh tác là 21.977 lao động; hộ cận nghèo là 4.307 lao động. Trong đó, số LĐNT có việc làm là 47.650 lao động, đạt tỷ lệ 78,6% so với tổng số lao động học nghề xong. Riêng tỷ lệ lao động học nghề dưới 3 tháng học xong có việc làm đạt 82%. Số lao động được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng là 3.408 lao động; số lao động được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm là 794 lao động; số lao động tự tạo việc làm là 43.019 lao động; số lao động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp là 429 lao động.
Vương Linh