Kiên Giang: Gần 90 ngàn lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) - Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp, cơ quan ở Kiên Giang có 4.286 đơn vị, trong đó, 2.938 là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có 1.345 số đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Hiện Kiên Giang bố trí các địa điểm tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN 7 vị trí trên toàn tỉnh gồm tại thành phố Rạch Giá, 3 văn phòng trực thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm đặt tại 3 huyện là Phú Quốc, Kiên Lương, An Biên và 3 nơi ủy thác tại phòng lao động huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận.
Tổng số cán bộ phòng BHTN gồm 19 người với cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Trong 6 tháng đầu năm 2019 phòng đã tham mưu cho ban lãnh đạo trung tâm trong việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Tổ chức thu thập, phân tích, đánh giá thực hiện BHTN dưới hình thức phiếu khảo sát ý kiến người lao động cũng như nhìn nhận đánh giá qua bộ công cụ từ Cục Việc làm, đồng thời thực hiện phiếu khảo sát tư vấn giới thiệu việc làm theo định mức kinh tế. Từ đó đưa ra những nhận định sâu sát cho việc phục vụ người lao động được tốt hơn và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn trong việc thực hiện chính sách BHTN...
Nhìn chung việc ban hành các văn bản hướng dẫn từ Cục Việc làm tương đối đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng được yêu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chi bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp sâu sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Kiên Giang đã kiện toàn và ổn định 3 văn phòng đại diện và 3 đầu mối ủy thác, giúp công tác giải quyết chế độ BHTN trên địa bàn tỉnh luôn kịp thời và thuận lợi. Đặc biệt, Trung tâm còn luôn phối hợp với Phòng Việc làm – An toàn lao động thuộc Sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách Pháp luật BHTN đến người lao động, người sửng dụng lao động như tập huấn chính sách BHTN cho các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa để người sử dụng lao động hiểu rõ hơn nữa về chính sách BHTN.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Trung tâm cũng còn một số khó khăn, vướng mắc bởi việc kết nối khai thác dữ liệu người lao động tham gia đóng BHTN tại Bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thống nhất, trong thời gian người lao động đang nhận hoặc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nên không phát hiện ra. Về đội ngũ nhân viên Phòng BHTN cơ bản trung tâm đã ổn định song vẫn cần bổ sung thêm một số vị trí đặc thù đồng thời các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tập huấn lưu trữ BHTN. Việc quy định cho một số đối tượng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng trong Thông tư số 28/2015 là khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng không có nhu cầu làm việc như: lao động phổ thông trở về quê làm nông nghiệp, phụ giúp gia đình, kinh doanh... Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện tại đã thay đổi tích cực, có lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số lao động thất nghiệp.
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền chính sách BHTN đến với doanh nghiệp và người lao động trên toàn tỉnh thông qua tập huấn, đặt Pano, áp phích, tờ rời, đăng bài trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc sở như Phòng Việc làm – An toàn lao động, Phòng Tiền Lương – Bảo hiểm xã hội trong công tác kiểm tra người lao động có việc làm như không khai báo đúng sự thật; Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc kết nối dữ liệu thu Bảo hiểm xã hội để kịp thời phát hiện lao động thất nghiệp cũng như có việc làm... Từ đó đưa ra những tham mưu, giải pháp giúp người sử dụng lao động và người lao động có những điều chỉnh và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể.
NHB
TAG: