Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Khuyến nghị về chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
10:09 PM 24/01/2020
LĐXH - Do quy định độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam là dưới 16 nên nhóm trẻ 16-17 tuổi chưa được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đầy đủ và phù hợp. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số trẻ trong độ tuổi 16-17, đặc biệt là những trẻ sống trong những gia đình nghèo, phải nghỉ học, lao động kiếm sống, kết hôn hoặc mang thai sớm, bị bạo lực, xâm hại tình dục hoặc bị cuốn vào các tệ nạn xã hội từ đó có những hành vi vi phạm pháp luật.

Khoa học chứng minh, nhóm từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là độ tuổi khá nhạy cảm, các em chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, do bộ não của các em đang trong quá trình hoàn thiện. Cơ thể và tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy thì có sự thay đổi khá mạnh mà chính các em cũng chưa hiểu hết về sự thay đổi này. Các em rất cần được giáo dục về giới tính; về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; cần sự chăm sóc, tư vấn tâm lý trước khi bước vào tuổi trưởng thành và để đủ sức vượt qua nhiều tình huống khó ứng xử trong tình bạn, tình yêu cùng nhiều mối quan hệ xã hội khác; các em cần môi trường để tiếp tục được phát huy quyền tham gia của mình trong các tổ chức Đoàn, Hội để có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Hơn hết, các em rất cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường, xã hội để bảo vệ và giúp trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị đầy đủ hành trang, đủ tự tin khi bước vào tuổi trưởng thành.

Do đặc thù não bộ chưa hoàn thiện nên người chưa thành niên thường có nhiều khả năng hành động theo ngẫu hứng, dễ gặp tai nạn, dễ tham gia các cuộc ẩu đả, dễ có những hành vi nguy hiểm hoặc rủi ro cho bản thân mình và cho người khác; có ít khả năng suy nghĩ chín chắn trước khi hành động, dừng lại để xem xét hậu quả hành động của mình, thay đổi ý định thực hiện những hành vi nguy hiểm hoặc không phù hợp; có nguy cơ bị bạo lực xâm hại  tình dục, bị bóc lột và là nạn nhân của mua bán người... Vì thế, 18 năm đầu của đời người là vô cùng quan trọng cho quá trình hoàn thiện thể chất, tâm sinh lý, trí tuệ và rất cần sự chăm sóc, hỗ trợ từ người lớn.

Trên thực tế, tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên cho thấy nhóm trẻ trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 chiếm tỷ lệ cao nhất (61,1%) trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 chiếm 41,8%, độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 chiếm khoảng 32%; độ tuổi dưới 14 chỉ chiếm khoảng 8%; trong số các nguyên nhân dẫn đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật, có đến 70% vụ việc là do trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình, 49% gia đình có bạo lực, 30% có cha mẹ nghiện hút và một số nguyên nhân khác. Về vấn đề trẻ em bị bạo lực xâm hại tình dục, báo cáo của Bộ Công an trong 02 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó tỷ lệ lớn là nhóm chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Đây là những trường hợp bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, cho nên con số trên mới là phần nổi của tảng băng chìm. Bên cạnh đó, theo Báo cáo điều tra lao động trẻ em quốc gia, ở thời điểm 2012, cả nước có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em (từ 5 đến 17 tuổi), chiếm 9,6% dân số trẻ em, trong đó nhóm trẻ em từ 15-17 tuổi chiếm 58%.

Vấn đề hiện nay ở Việt Nam là do quy định độ tuổi pháp lý của trẻ em là dưới 16 nên nhóm trẻ 16-17 tuổi chưa được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đầy đủ và phù hợp. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số trẻ trong độ tuổi 16-17, đặc biệt là những trẻ sống trong những gia đình nghèo, phải nghỉ học, lao động kiếm sống, kết hôn hoặc mang thai sớm, bị bạo lực, xâm hại tình dục hoặc bị cuốn vào các tệ nạn xã hội từ đó có những hành vi vi phạm pháp luật.


TS. Nguyễn Hải Hữu (ảnh tư liệu)

Khoảng trống của chính sách

Theo quy định của pháp luật hiện hành về việc áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (theo quy định tại Điều 31 và Điều 28, Luật Thanh niên năm 2005) thì luật pháp chính sách ở nước ta còn nhiều khoảng trống. Vì Luật Thanh niên chỉ quy định quyền của nhóm từ đủ 16 đến dưới 18 mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về chính sách trên tất cả các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp, do vậy trên thực tế chưa thực hiện được.

Quyền sống còn: Các chính sách về trợ cấp xã hội, bảo đảm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám chữa bệnh, phòng chống tai nạn thương tích đối người chưa thành niên trong độ tuổi 16, 17 chưa được bảo đảm theo quy định của CRC về quyền trẻ em.

Quyền được bảo vệ: Người chưa thành niên trong độ tuổi 16, 17 khi tham gia các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động chưa được hưởng đầy đủ theo các yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng quy định tại Điều 70 của Luật Trẻ em, ví dụ như yêu cầu được đối xử phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em, yêu cầu ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Việc bảo vệ người chưa thành niên trong độ tuổi 16, 17 là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột và mua bản cũng chưa đáp ứng quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các em thuộc nhóm tuổi 16, 17 chưa được hưởng đầy đủ quyền trợ giúp pháp lý vì không còn được xem là trẻ em, trừ khi có khó khăn về tài chính hoặc thuộc các trường hợp khác do Luật này quy định. Đối với những trường hợp mua bán người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, kẻ phạm tội sẽ bị truy tố và xử phạt theo tội mua bán người (Điều 150), chứ không phải tội mua bán trẻ em, khiến cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa được bảo vệ đầy đủ theo Nghị định thư không bắt buộc về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mà Việt Nam là thành viên.

Quyền được phát triển: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa thành niên độ tuổi 16 và 17 chưa được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ trong giáo dục, vui chơi giải trí như trẻ em dưới 16 tuổi, điều ảnh cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Quyền được tham gia: Quyền tham gia của người trong độ tuổi 16, 17 cũng chưa được chú trọng đúng mức, các em thiếu đi sự quan tâm tiếp cận, tìm kiếm thông tin theo quy định pháp luật, phù hợp lứa tuổi và mức độ trưởng thành của các em; ngoài ra, các em thiếu cơ hội để tham gia ý kiến, bày tỏ nguyện vọng vào các vấn đề liên quan tới bản thân các em.

Khuyến nghị về chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi

Ở Việt Nam, nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có khoảng 2,7 triệu, hiện tại, Luật Trẻ em định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Bộ luật Dân sự quy định tuổi thành niên là từ đủ 18 tuổi đã khiến cho nhóm trẻ 16, 17 tuổi ở Việt Nam chưa được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em, song cũng chưa có các quyền và nghĩa vụ của người thành niên.

Việc phát triển chính sách toàn diện cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ bảo vệ chăm sóc và giáo dục các em tốt hơn, giảm thiểu thách thức cho các em, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý và trí tuệ, vững vàng bước vào tuổi thành niên, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lại và hướng tới mục tiêu “công dân toàn cầu”.

Để áp dụng đầy đủ và có hiệu quả các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 31 Luật thanh niên 2005), giải pháp tốt nhất là Quốc hội điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, song hành với việc sửa đổi Luật Thanh niên. Trong khi chưa nâng được độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì cần sửa đổi bổ sung một số chính sách hiện hành trên tất cả các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp.

Cùng với đó, trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, cần sửa đổi chính sách trợ cấp, trợ giúp cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giống như chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đưa nhóm độ tuổi 16,17 vào các chương trình bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và chương trình vui chơi giải trí của trẻ em.

Trong lĩnh vực y tế, cần sửa đổi chính sách về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giống như chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đối với giáo dục, cần sửa đổi chính sách trợ giúp về giáo dục cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giống như chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Về lĩnh vực tư pháp, cần sửa đổi chính sách trợ giúp pháp lý và các chính sách liên quan đến điều tra, tố tụng hình sự, hành chính cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giống như chính sách đối với trẻ em./

 TS. Nguyễn Hải Hữu

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24