An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Khánh Hòa: Nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
09:41 AM 08/06/2022
(LĐXH) - Những năm qua, việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến tích cực; chế độ, điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp từng bước được cải thiện. Qua đó, góp phần hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các ngành chức năng, địa phương cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định về ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; quan tâm, đầu tư cho công tác này và tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; chủ động tự kiểm tra, đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Đồng thời, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ tại các bộ phận, phân xưởng; thành lập, kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động, đào tạo kỹ năng cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động… Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện huấn luyện công tác ATVSLĐ cho hơn 20.000 lao động. Qua đó, giúp người lao động nâng cao nhận thức, áp dụng các giải pháp an toàn vào trong lao động, sản xuất. Công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được các doanh nghiệp thực hiện tốt. Qua thăm khám cho thấy, hiện nay, có hơn 12.000 lao động đạt sức khỏe loại I; hơn 11.000 lao động đạt loại II; hơn 5.000 lao động đạt loại III. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.500 máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đều được các doanh nghiệp thực hiện khai báo và kiểm định nghiêm túc. Việc thực hiện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi được đảm bảo đúng quy định…
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực có nguy cơ cao như: Xây dựng, hóa chất… cũng được tăng cường. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, kiến thức an toàn và có ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình khi bước vào công trình xây dựng; được khám sức khỏe, huấn luyện ATVSLĐ… Những giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong thi công được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, nhất là việc lắp đặt lan can, biển cảnh báo, rào chắn, lưới bảo vệ; các thiết bị, máy móc thi công được kiểm định.
Công nhân lao động Nhà máy Thuốc lá Khatoco tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy 

Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ phải kể đến là Nhà máy Thuốc lá Khatoco (Tổng Công ty Khánh Việt). Thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm, đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Chỉ riêng trong năm 2021, nhà máy đã dành hơn 11 tỷ đồng thực hiện các giải pháp kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động. Nhà máy đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 cho công tác ATVSLĐ; phân công 2 cán bộ phụ trách ATVSLĐ, hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra phát hiện, loại bỏ những nguy cơ mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp. Nhà máy đầu tư nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống xử lý bụi, mùi giúp tạo môi trường lao động an toàn. Việc đo, đánh giá chất lượng khói thải, khí thải và không khí môi trường xung quanh được thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí bên trong và xung quanh nhà máy đều đạt quy chuẩn.
Trung bình mỗi năm, nhà máy dành hơn 2,3 tỷ đồng thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật như: sữa tươi, sữa đặc, nước yến, nước cam... cho người lao động. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhà máy còn bổ sung thêm vitamin C, vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho người lao động. Đồng thời, chi hơn 900 triệu động để khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều trị các bệnh thông thường cho người lao động. Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, công nhân nhà máy chia sẻ: “Hàng năm, đơn vị đều trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, quan trắc môi trường… nên chúng tôi an tâm làm việc. Các chế độ tiền lương, phúc lợi được nhà máy thực hiện rất tốt…”.
Ở Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam, công tác ATVSLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng ngày, trên hệ thống loa nội bộ, công ty liên tục nhắc nhở và yêu cầu gần 4.000 công nhân thực hiện nghiêm nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; bảo hộ lao động được trang bị đầy đủ, đúng quy định; trước khi vào nhà máy, người lao động được đơn vị kiểm tra đạt chuẩn mới được làm việc. Định kỳ hàng năm, công ty thực hiện 2 đợt khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân để kịp thời điều chỉnh vị trí công việc phù hợp. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi giáo dục về ATVSLĐ theo chủ đề nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động. Hàng ngày, công ty bố trí người kiểm tra thiết bị, máy móc nhằm phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn để có biện pháp khắc phục ngay...
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cũng luôn quan tam đến việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Cuối năm 2021, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030. Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, phấn đấu đến năm 2022, tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thành các mục tiêu: Quản lý được 10% đơn vị sử dụng lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; 10% các đơn vị sử dụng lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng, chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động; 20% người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng, chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; 10% người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp; 10% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng; giảm 5% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động… Phấn đấu đến năm 2030, các mục tiêu trên đạt lần lượt là 80%; 90%; 100%; 90%; 100%; 25%...

Kiểm tra việc sử dụng máy móc tại Dự án Khu phức hợp, nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện các hoạt động: Đầu tư, nâng cao trang thiết bị chuyên ngành thiết yếu cho các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp. Tổ chức tập huấn, huấn luyện sơ, cấp cứu ban đầu; kỹ năng truyền thông, giáo dục, kỹ năng tư vấn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động; in ấn, cấp phát các ấn phẩm (tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, pano...) phòng, chống bệnh nghề nghiệp cấp phát cho các đơn vị sử dụng lao động. Triển khai thí điểm mô hình dịch vụ y tế lao động cơ bản và hướng dẫn, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động. Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc, mô hình phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến; tăng cường năng lực điều trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở quan trắc môi trường lao động và các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế...
Với việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực, Khánh Hòa đã và đang tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Môi trường làm việc ngày càng được cải thiện, sẽ giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững./.
Ngọc Mai
 
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng