Khẩn trương xây dựng Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy
(LĐXH) – Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, diễn ra vào chiều ngày 23/3.
Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Nguyễn trọng Đàm; ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng chính phủ; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, cùng tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong quý I và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: Trong quý I, Cục đã xây dựng đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật: Dự án luật về phòng, chống mại dâm (Báo cáo chính sách dự kiến trong dự luật, Hồ sơ trình đề xuất dự án Luật, dự kiến các nội dung cơ bản của dự luật….); Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới (đã trình); Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện; Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện…Trong công tác phòng, chống mại dâm, đã xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, các mô hình thí điểm hiệu quả trong công tác cai nghiện phục hồi. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các nhiệm vụ Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát, cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Chương về cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy.Chỉ đạo triển khai các nội dung Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2016 - 2020”. Rà soát số nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2011-2015 để đề xuất phương hướng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân.
Phát biểu đóng góp ý kiến cho công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới, một số đại biểu cho rằng: Không nên đưa chất thay thế ma túy methadone vào sử dụng lâu dài trong các trung tâm, cơ sở cai nghiện, bởi vì đây là chất cực độc và còn nguy hiểm hơn ma túy thông thường, nếu tăng liều sẽ dẫn đến tử vong; cần xem xét cách quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, bởi vì cán bộ quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc là lực lượng dân sự, trong khi đối tượng quản lý có nhiều tiền án, tiền sự, một bộ phần luôn kích động, ảo giác, không hợp tác trong chữa trị, cai nghiện nên khó khăn trong quản lý học viên cai nghiện bắt buộc; nên tập trung vào phòng ngừa, giảm hại, hỗ trợ đối tượng mại dâm…
Tại buổi làm việc, ông Đoàn Hữu Bảy, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng chính phủ đề nghị Cục cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như những nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Đặc biệt nhanh chóng xây dựng Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay rất phức tạp, đối tượng sử dụng, mua bán ma túy ngày càng manh động; các dạng ma túy ngày càng nhiều và mức độ càng nguy hiểm, độc hại; mại dâm trá hình khó kiểm soát; quan điểm của các Bộ, ngành không thống nhất; các địa phương chưa thấm nhuần quan điểm của Chính phủ mà chỉ lo làm sạch địa bàn…Trước tình hình đó, Thứ trưởng đề nghị Cục thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản; có phương án phối hợp với ngành công an để đảm bảo trật tự cho các trung tâm, cơ sở cai nghiện; Tập trung hướng dẫn thống nhất cho các trung tâm, cơ sở cai nghiện từ việc tiếp nhận, cắt cơn, giải độc đến phục hồi chức năng cho các đối tượng cai nghiện; rà soát lại quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm, cơ sở cai nghiện để tránh tình trạng phá trại, trốn trại; Nghiên cứu cụ thể hóa các nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc của tập thể Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng, các lĩnh vực mại dâm, ma túy, buôn bán người hiện đang diễn biến rất nóng, rất phức tạp, vì vậy trách nhiệm của Bộ cũng như Cục là hết sức nặng nề. Hiện dư luận xã hội đang quan tâm nhiều đến các vấn đề, như: tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy ngày càng tinh vi; tội phạm ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh; nhiều nơi đối tượng nghiện tổ chức phá trại, trốn trại gây hoang mang trong xã hội…
Chính vì vậy, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cần đoàn kết trong công việc và tập trung vào các nhiệm vụ sau: Rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ đã giao. Xem xét những việc gì có thể tích hợp lại, việc gì hữu ích cần làm sớm, việc gì không thể làm được thì báo cáo lại Bộ; Khẩn trương hoàn thành Chỉ thị và Nghị định của Chính phủ về công tác cai nghiện tự nguyện; Tập trung xây dựng Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017; Phối hợp với các Bộ, ngành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy; Tổ chức hội nghị gặp mặt, nói chuyện với những tấm gương đã thoát khỏi ma túy và trở thành người có ích cho xã hội để tạo niềm tin, động lực cho người nghiện cũng như toàn xã hội về thành công của công tác cai nghiện…/.
Nguyễn Hiền
TAG: