Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Kết quả bước đầu của mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện nghiện ma túy”
05:01 PM 17/12/2019
(LĐXH)-Mô hình thí điểm Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy là giai đoạn 1 của “Tòa hỗ trợ ma túy tại Việt Nam”. Mô hình đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương ở các thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một chương trình tổng hợp kết hợp/kết nối giữa các giải pháp tư pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy tuân thủ điều trị nhằm đạt được mục đích cao nhất là cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.
Đồng chí Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy được tổ chức vào ngày 17/12/2019 vừa qua đã khẳng định: Sau 1 năm triển khai thí điểm, mô hình bước đầu đã hình thành được mạng lưới chuyên môn có đầu mối là lực lượng công an phường; các bộ phận trung gian là điều phối viên, tư vấn viên gồm cán bộ phòng lao động và trung tâm y tế quận, cán bộ y tế ở trạm y tế phường, giám sát viên và điểm đích của mạng lưới là các cơ sở cung cấp dịch vụ theo khung kỹ thuật đã quy định... nhằm giúp người nghiện được cung cấp các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn đến hòa nhập cộng đồng. Hoạt động của mô hình cũng đề cao vai trò của lực lượng công an trong công tác phát hiện, tiếp cận, chuyển gửi người sử dụng ma túy, người cai nghiện ma túy tới các cơ sở cung cấp dịch vụ. Thông qua việc tham gia mô hình, cán bộ cơ sở đã được hướng dẫn kỹ năng chuyên môn về tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc và chuyển gửi đối tượng là người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy được phát hiện.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”, là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng.
Đặc điểm riêng có của mô hình là có sự tham gia chuyển gửi của công an đến các cơ sở điều trị thông qua chuyển gửi đến nhân viên xã hội tại xã phường thí điểm để sàng lọc, đánh giá, động viên người nghiện vào điều trị. Công an khi tiếp cận với người sử dụng ma túy thì việc đầu tiên là giới thiệu tham gia mô hình thí điểm thay vì chỉ tập trung vào lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính như cách làm truyền thống.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hà Nội, mô hình được thực hiện dưới sự phối hợp quản lý của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho mô hình và các điểm tư vấn, điều trị với sự hỗ trợ tài chính và đồng hành của Cơ quan quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA).
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội – một trong 3 địa phương triển khai thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy cho biết: Hiệu quả bước đầu của mô hình được ghi nhận qua việc đóng góp vào quá trình quản lý chặt chẽ những di biến động của người nghiện trên địa bàn, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người nghiện qua các hoạt động như: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia chuyển gửi, chuyển gửi kịp thời người nghiện tới các cơ sở điều trị ma túy, bệnh viện điều trị tâm thần, khám chăm sóc bệnh nhân Lao…và các hỗ trợ tâm lý xã hội khác. Việc này bước đầu tạo được niềm tin cho người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Kể từ khi Mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy được chính thức triển khai hoạt động tại Hà Nội,  đến ngày 10/12/2019,  đã có 170 người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi trên địa bàn 6 phường của 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Về cụ thể thì toàn bộ số người này được tiếp nhận và sàng lọc can thiệp ngắn. Thứ 2 là lập được kế hoạch điều trị cho từng cá nhân. Trong số đó, hầu hết người nghiện được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng HIV. Người nghiện ma túy trong 2 quận này cũng được chuyển gửi đến nhiều đơn vị khác nhau như chuyển gửi tới Cơ sở điều trị Methandone, chuyển gửi điều trị sức khỏe tâm thần, chuyển gửi đến Dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy, chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hành chính và dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Ở quận Nam Từ Liêm, gần như số người nghiện được chuyển gửi tới Cơ sở điều trị Methandone và có tới 46 người đười được tư vấn, chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm. Còn ở quận Long Biên, hầu hết người nghiện được tư vấn chuyển gửi đến Dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy và có 15 người được tư vấn, chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm.
Cùng những kết quả bước đầu đạt được, tại hội thảo, các đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy, đó là: Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tham gia mô hình chưa đạt được mục tiêu đề ra; cơ sở vật chất hỗ trợ mô hình còn hạn chế; hoạt động của mô hình chưa khuyến khích được sợ tham gia nhiệt tỉnh của nhiều thành phần liên quan khác; việc hướng dẫn sử dụng, thanh toán kinh phí hỗ trợ chưa kịp thời dẫn đến chậm triển khai một số hoạt động tại địa phương.
 Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Ngành lao động tới đây sẽ xây dựng các định mức và dịch vụ cho các cơ sở cai nghiện đa chức năng. Đặc biệt khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện và cai nghiện ở điểm tư vấn, điểm vệ tinh ở cộng đòng để giảm cai nghiện bắt buộc. Chúng tôi không muốn người nghiện phải đi cai bắt buộc mà muốn họ có nhiều cơ sở sử dụng các dịch vụ của xã hội, đồng thời với việc phát triển điểm tư vấn, điểm vệ tinh và trở thành mạng lưới, gắn kết người từ lúc sử dụng ma túy, nghiện ma túy, lệ thuộc ma túy được sử dụng các dịch vụ của các ngành, các câp, các cơ quan, địa phương, kể cả dịch vụ y tế cắt cơn, giải độc, xác định tình trạng nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập.
Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, đơn vị cũng sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị của địa phương, đưa việc thực hiện mô hình chính thức vào chương trình của UBQG, đồng thời xây dựng cơ chế về chính sách, con người, kinh phí để triển khai mô hình đồng bộ hơn. Theo ông Lập, để mở rộng mô hình, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để các đơn vị chức năng và người dân hiểu rõ hơn lợi ích mà mô hình đem lại.
Dịp này, các đại biểu cũng nghe chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người cai nghiện tại cộng đồng từ các tổ chức quốc tế để Việt Nam có thể thực hiện  hiệu quả hơn việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới./.

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động