Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
(LĐXH)- Xác định đào tạo và giải quyết việc làm chính là cơ hội để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện Yên Bình đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung Tiểu dự án 3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" cho lao động nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bằng việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, tạo việc làm bền vững để khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Huyện Yên Bình là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Huyện Yên Bình có 24 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn và 22 xã. Huyện có diện tích tự nhiên là 772,13 km2, dân số 112.743 người gồm 5 dân tộc cơ bản chung sống.
Thống kê cho thấy, đến năm 2024, trên địa bàn huyện Yên Bình có 76.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,3% dân số; lực lượng lao động khoảng trên 71.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 73,06%, tỷ lệ qua đào tạo có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 28,72%; lao động nông nghiệp chiếm trên 50%.
Toàn huyện có khoảng trên 30.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; làm việc tại các công trình giao thông, xây dựng, dịch vụ, nhà hàng...
Tuy nhiên, lao động còn có công việc chưa ổn định, mang tính thời vụ, thu nhập thấp. Nguyên nhân do thiếu kỹ năng, tay nghề, chưa tìm được công việc phù hợp…Huyện Yên Bình tổ chức nhiều ngày hội việc làm, kết nối cung - cầu lao động
Thực hiện Tiểu dự án, hằng năm, huyện Yên Bình đã đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động của địa phương, góp phần đưa công tác giảm nghèo của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 73,06%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 28,72%; lao động nông nghiệp chiếm trên 50%.
Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm , kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thời gian qua, huyện Yên Bình đã phối hợp tổ chức nhiều Ngày hội việc làm cũng như nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin về thị trường lao động - là những hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Những sự kiện này góp phần tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động; hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động.
Riêng trong năm 2023, huyện đã phối hợp tổ chức 7 phiên giao dịch lưu động tại các xã, thu hút trên 500 người lao động tham dự. Qua đó, giúp người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng, sở trường của bản thân để tạo ra thu thập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Đẩy mạnh triển khai các nội dung trong Tiểu dự án 3, huyện Yên Bình cũng đã chủ động rà soát nhu cầu việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị cùng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và doanh nghiệp trong nước để bàn các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm qua là 130 lao động.
Năm 2024, huyện dự kiến giải quyết việc làm cho 3.700 lao động; lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó tỷ lệ lao động được cấp văn bằng chứng chỉ là 55%, chuyển dịch trên 1.050 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện Yên Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người lao động các chính sách mới về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Huyện cũng triển khai nhiều chương trình, giải pháp, trọng tâm là kết nối cung - cầu lao động; rà soát đối tượng có nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn để phối hợp, liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; quan tâm mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động, hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình; chú trọng phát triển các làng nghề, hợp tác xã, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ…/.
Nguyễn Lại Thìn
TAG:
tiều dự án 3