Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Huyện Văn Chấn nỗ lực tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc phát huy quyền tham gia
04:12 PM 18/12/2019
(LĐXH)-Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 40.062 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 350 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đa phần thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.
Xác định trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) hướng tới mục tiêu trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường học tập, vui chơi giải trí an toàn, đặc biệt là trẻ em được tham gia nhiều hơn vào xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách liên quan đến quyền cơ bản về giáo dục.
Để thực hiện hiệu quả công tác BVCSGDTE, nhiều năm qua huyện Văn Chấn đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch thực hiện công tác BVCSGDTE; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ được phân công, triển khai thực hiện các quy định của Luật BVCSGDTE, nhất là các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa; tổ chức Diễn đàn trẻ em; Tháng hành động Vì trẻ em; thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. 
 
Sáng kiến “Thư viện sân trường” của trường Phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội về công tác BVCSGDTE được đặc biệt quan tâm mọi người có những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích nhất là phòng chống đuối nước trong dịp hè. 
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe - dinh dưỡng cho trẻ em luôn được đặc biệt coi trọng, 100% trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí; hàng năm, huyện thực hiện đầy đủ các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng... 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 trạm y tế xã đạt chuẩn y tế quốc gia theo bộ tiêu chí mới; 100% trạm y tế có y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh… đáp ứng các yêu cầu chăm sóc trẻ em ở cơ sở. 
Lĩnh vực giáo dục trẻ em được đặc biệt quan tâm. Toàn huyện có 73 đơn vị trường học, trong đó 23 trường mầm non; 17 trường tiểu học; 17 trường THCS và 16 trường TH&THCS. Hiện nay, 30 trường trung học đã triển khai chương trình giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho học sinh.
Những năm gần đây, huyện Văn Chấn cũng nhận được các chương trình, mô hình hợp tác quốc tế và các tổ chức xã hội đã tham gia ủng hộ các chương trình BVCSGDTE ở cơ sở. 
Điển hình như năm 2018 vừa qua, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã mở 8 lớp tập huấn về công tác BVCSGDTE tại 5 xã gồm: Suối Bu, Suối Giàng, Thanh Lương, Hạnh Sơn và Phúc Sơn, với 150 đại biểu là các cán bộ cấp xã, thôn, bản tham gia. Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức Save the Children hỗ trợ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam triển khai dự án “Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể và học sinh trong việc thúc đẩy giáo dục có chất lượng, gìn giữ văn hóa và bản sắc dân tộc trong trường học” trong ba năm, tại 10 trường TH và THCS, PTDTBT ở chín xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
dự án khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và học sinh, hướng tới giáo dục có chất lượng, gìn giữ văn hóa và bản sắc dân tộc trong trường học đã triển khai tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chương trình giúp hơn 3.000 trẻ em dân tộc hiểu và phát huy quyền tham gia của mình. Đồng thời tác động tích cực tới 4.500 thành viên cộng đồng thuộc các nhóm dân tộc Mông, Dao, Thái và Khơ Mú, cùng 300 giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục.
Em Lò Thị Thu Uyên (trường Tiểu học và trung học cơ sở Ba Khe, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), tâm sự, tại địa bàn nơi em ở, các bạn học sinh dân tộc thiểu số vùng cao chưa có nhiều kỹ năng sống tốt trong môi trường bán trú. Có bạn bắt đầu xuống ở bán trú không chú trọng vệ sinh cá nhân, vẫn giữ thói quen tự do, không theo khuôn khổ, học tập và vui chơi chưa đúng thời gian quy định... Trong khi đó, học sinh trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) Ba Khe phải tham gia vào rất nhiều hoạt động học tập trên lớp, tự học ở khu bán trú, trải nghiệm; hướng nghiệp, học nghề; giáo dục kỹ năng sống. Một số vấn đề học sinh muốn nói với nhà trường, với thầy cô chỉ đơn lẻ thông qua các buổi sinh hoạt lớp và hoạt động tập thể. Đôi khi, ý kiến của các em chưa được ghi nhận và chậm được giải quyết.
Từ đó, Hội đồng tự quản (HĐTQ) và câu lạc bộ trẻ em (CLB) Trường TH và THCS Ba Khe gồm 30 bạn nhỏ đã ra đời, cùng tham gia vào quá trình quản lý học tập như tự quản trong giờ ôn bài, thực hiện nội quy của trường, lớp, khu bán trú, chú trọng chuyên cần. Nhóm cũng đề xuất ý kiến với thầy, cô giáo để cải thiện chất lượng học tập của học sinh; họp hằng tháng với đại diện Hội Cha mẹ học sinh và giáo viên nhằm chia sẻ mong muốn, nhu cầu của học sinh cũng như đưa ra các sáng kiến cải thiện môi trường học tập… Từ đó, học sinh vui hơn khi đến trường, tỷ lệ đến lớp tăng đáng kể, hạn chế nhiều học sinh bỏ học. Phụ huynh cũng dần quan tâm hơn đến việc học của con em mình ở nhà và ở trường.
Học sinh, phụ huynh còn cùng nhau tổ chức, tham gia vào các trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, ném còn, ném pao, đánh quay, đẩy gậy… ngay tại trường, qua đó giáo dục và duy trì cho học sinh dân tộc thiểu số những nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình.
Nhờ thường xuyên thông tin về những chính sách, pháp luật như Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình…, người dân đã hạn chế vi phạm những điều đã cấm trong luật như quyền đi học, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ….
Mô hình HĐTQ VÀ CLB trẻ em là lực lượng chính giúp nâng cao tiếng nói và sự tham gia của học sinh tại Yên Bái. Qua đó, học sinh được bảo đảm các quyền của trẻ em, được tạo môi trường để tham gia nhiều hơn, được thể hiện chính mình, góp phần xây dựng môi trường học tập tốt, gìn giữ và phát phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như thu hút các em tham gia những hoạt động xã hội ở cộng đồng.
Đây là các mô hình thí điểm trong khuôn khổ dự án “Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể và học sinh trong việc thúc đẩy giáo dục có chất lượng, giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc trong trường học” (dưới đấy gọi tắt là dự án) do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) phối hợp triển khai tại tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2015 - 2018. Hơn 300 giáo viên, cán bộ giáo dục, trưởng thôn/bản cũng đã được tập huấn về quyền trẻ em, sự tham gia của trẻ và kỹ năng thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Văn Chấn đã hướng dẫn trẻ em mở HĐTQ học sinh và CLB trẻ em tại mười trường địa bàn dự án.
Bà Lê Thị Thanh Mai, quản lý dự án, cho hay, một trong những kết quả từ chương trình là cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em, trên địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tham gia nhiều hơn vào xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách liên quan đến quyền cơ bản về giáo dục. Từ thực tế, những sáng kiến của trẻ em rất phong phú, gắn với những vấn đề thiết thực của các em đã ra đời. Đó là thi vẽ tranh tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục của học sinh trường THCS Nghĩa Sơn, thi vẽ tranh “Chúng em tham gia bảo vệ quyền trẻ em” của CLB trẻ em Trường Nậm Lành, “Thư viện sân trường” của trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) - THCS Suối Giàng, “Rửa tay sạch” của trường TH-THCS Ba Khe, “Lò tiêu hủy rác” của học sinh trường TH-THCS Sùng Đô, “Bếp ăn “ của học sinh Trường THCS Nậm Búng, thi sân khấu hóa “Chung tay bảo vệ quyền trẻ em”…
Em Bàn Thị Còi, thành viên CLB trẻ em trường PTDTBT-THCS Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chia sẻ, các cuộc thi vẽ tranh về quyền trẻ em, kể chuyện qua ảnh… đã thu hút các các bạn học sinh tham gia nhiệt tình, tích cực. Các mẩu chuyện do chúng em tự viết về thầy - cô giáo, đôi bạn cùng tiến, chuyện sinh hoạt ở khu bán trú, phong tục - tập quán ở địa phương được khen ngợi. Khi tập cho hội thi sân khấu hóa về quyền trẻ em, các bác lãnh đạo xã và đại diện phụ huynh đến động viên, thể hiện sự quan tâm tới trẻ em.
HĐTQ học sinh và CLB trẻ em đã thực hiện những sáng kiến cải thiện môi trường học tập thân thiện, có chất lượng, phù hợp với văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức các cuộc đối thoại giữa các bạn nhỏ với lãnh đạo địa phương về chính sách giáo dục đối với trẻ em dân tộc. Những hoạt động này dần dân giúp nâng nhận thức của lãnh đạo các cấp, giáo viên và phụ huynh học sinh về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, khẳng định, những kết quả mà dự án đạt được trong thời gian ngắn đã góp phần thay đổi trong nhận thức, hành động của trẻ em và các phụ huynh, thầy, cô giáo về cải thiện chất lượng môi trường học tập, đặc biệt là tại các trường PTDTBT ở Yên Bái, nơi có đông trẻ em dân tộc thiểu số học tập và sinh hoạt.
Bà Hòa nhấn mạnh, trẻ em có quyền được tham gia vào những vấn đề liên quan tới chính mình như Luật Trẻ em 2016 đã quy định. Những thay đổi về điều kiện sinh hoạt, học tập của các em đã minh chứng cho sự thay đổi về nhận thức, hành động của người lớn trong bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em tại trường học. Vì vậy, nên duy trì nhân rộng mô hình này, để từ đó góp phần cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em dân tộc nói chung và trẻ em dân tộc của tỉnh Yên Bái nói riêng./.

Mỹ Hằng
 
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24