An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Trà Cú: Hiệu quả từ các mô hình tổ tự quản trong công tác giảm nghèo
05:28 PM 10/11/2020
(LĐXH) - Huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) là huyện vùng sâu, nằm cách trung tâm tỉnh 34 km về hướng Tây Nam. Toàn huyện có 15 xã, 02 thị trấn, diện tích tự nhiên 31.752,8 ha, dân số 145.538 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 62,88% dân số; là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các huyện, thị và thành phố.
Tổng số hộ nghèo trên toàn huyện là 1.780 hộ, chiếm 4,6% (hộ nghèo Khmer chiếm 5,06%); 4.328 hộ cận nghèo, chiếm 10,65% (hộ cận nghèo Khmer chiếm 11,58%). Là một huyện thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn (huyện có 09 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020; 03 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ… Những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo ở địa phương.
Cây khoai môn đã giúp hàng trăm hộ dân xã Đại An, huyện Trà Cú đổi đời
Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh về chính sách giảm nghèo. Ủy ban nhân dân huyện đã kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động… Quan tâm đầu tư xây dựng 85 dự án phát triển sản xuất và 06 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ trực tiếp cho 77.018 lượt học sinh; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp 178 công trình công cộng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng; tạo điều kiện cho trên 50 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh với  kinh phí trên 278 tỷ đồng; vận động hộ có nhiều đất cho hộ nghèo mượn đất sản xuất; định kỳ hằng năm phân công đảng viên kèm cặp, hỗ trợ hộ thoát nghèo, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo; chủ động thành lập 65 tổ tự quản giảm nghèo; thành lập các tổ công tác, các đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, thị trấn; định kỳ sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng hộ thoát nghèo và những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương.
Qua 05 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo, góp phần chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn huyện, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Đại bộ phận hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thông qua mô hình Tổ tự quản giảm nghèo bền vững và được sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình cho các thành viên, Tổ tự quản đã xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ tạo môi trường gắn kết các hộ gia đình trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, từng bước nhân rộng mô hình có hiệu quả cho nhiều ấp, khóm khác góp phần thực hiện công tác giảm nghèo. Từ đó, nhiều hộ đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập khá trở lên, có ý chí quyết tâm, chăm chỉ làm ăn, hợp tác để vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể giai đoạn 2016 - 2020, đã kéo giảm được 6.266 hộ nghèo (bình quân giảm 3,12% hộ nghèo/năm); trong đó có 4.213 hộ nghèo Khmer (tương đương 7%); thúc đẩy kinh tế huyện nhà tăng trưởng bình quân 15,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,33 triệu đồng/người/năm (tăng 2,03 lần so năm 2015).
Từ những kết quả đạt được, có thấy hiệu quả thiết thực của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong công tác giảm nghèo ở địa phương, hiệu quả đạt được của mô hình không chỉ tác động tích cực đối với công tác giảm nghèo, mà còn có tác động tích cực về xã hội, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện còn chậm; thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững hiệu quả chưa cao, một số ít hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng; chưa kết hợp giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề; công tác phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách từng lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; chưa huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, để đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, đặc biệt là hiệu quả từ triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo và hoạt động của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong thời gian tới, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Trà Cú đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo. Chú trọng công tác tuyên truyền miệng nhân các ngày lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc và thông qua các cuộc họp lệ, sinh hoạt chi, tổ hội đoàn thể. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tự quản giảm nghèo; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng và kỹ năng hoạt động cho các Tổ trưởng, Tổ phó Tổ tự quản giảm nghèo.
Ba là, tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thường xuyên tổ chức điều tra rà soát, nắm chắc nguyên nhân, nguyện vọng của từng hộ nghèo, nhằm phân loại các nhóm đối tượng hộ nghèo để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tiếp tục phân công đảng viên hỗ trợ hộ nghèo gắn với phát huy vai trò của các hội đoàn thể trong công tác vận động hội viên thuộc hộ nghèo, tiên phong, gương mẫu quyết tâm vươn lên thoát nghèo; vận động các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, các tôn giáo nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo.
Bốn là, chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã có đông đồng bào dân tộc. Quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, nhằm hạn chế phát sinh hộ nghèo mới và tái nghèo. Tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp để hộ nghèo có cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo, thu hẹp dần chênh lệch về mức sống và kéo giảm hộ nghèo của huyện ngang bằng so với mức bình quân chung của tỉnh.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo. Định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo và biểu dương những hộ gia đình có ý chí, phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo./.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Huyện An Lão quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng