Huyện Quế Phong: Tích cực kết nối việc làm cho người lao động
(LĐXH) – Xác định đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã tích cực thu thập thông tin thị trường lao động và kết nối việc làm cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, lao động vùng khó khăn.
Là huyện vùng núi cao, biên giới nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, huyện Quế Phong có đường biên giới Việt – Lào dài 74,793km, với hơn 90% dân dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, các cấp, ngành của huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó có Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (đặc biệt là Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm mục tiêu tạo được nhiều việc làm cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động vùng khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án là 1,04 tỷ đồng (vốn kéo dài 2022, 2023 chuyển sang 189,74 triệu đồng, vốn năm 2024 được cấp gần 848 triệu đồng. Tính đến 25/11/2024 đã thực hiện giải ngân được 503,280 triệu đồng đạt 59,38%. Ước thực hiện đến 31/12/2024 đạt tỷ lệ giải ngân 100%.
Trong năm 2024, UBND huyện tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền và phiên giao dịch việc làm tại 13 xã, thị trấn, với 1.815 lượt người tham dự; Tổ chức 05 buổi tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và 04 trường trung học cơ sở trên địa bàn với 3.409 lượt học sinh tham gia. Ngoài ra, huyện tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động gắn với nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững cho 600 người và xây dựng các ấn phẩm thực hiện tuyên truyền chính sách vệc làm cho người dân trên địa bàn. Thông qua các hoạt hoạt động của dự án, đã góp phần kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, tính đến 25/11/2024, huyên đã đã thực hiện hỗ trợ 35 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với tổng kinh phí gần 285 triệu đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 13,5%, trong đó có 10 lao động nữ, 01 lao động thuộc đối tượng khác. Ước thực hiện đến 31/12/2024 hỗ trợ 72 lao động với tổng kinh phí 767,45 triệu đồng đạt tỷ lệ 50%. Người lao động được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng... Họ chủ yếu làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... với các nghề trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, lắp ráp linh kiện điện tử.
Những kết quả tích cực của Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững đã góp phần vào kết quả công tác giảm nghèo của huyện. Qua triển khai rà soát hộ nghèo, cận nghèo của các xã, thị trấn, kết quả bước đầu cho thấy, năm 2024, huyện đã giảm được 4,09% hộ nghèo (toàn huyện hiện còn 30,75% hộ nghèo); hộ cận nghèo còn 34,05%.
Năm 2025, địa phương dự kiến nhu cầu nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 843,36 triệu đồng để thực hiện tốt hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công... Nhằm hoàn thành mục tiêu: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Hỗ trợ từ 80 đến 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.../.
Thục Quyên